Bệnh “chổi rồng” trên cây mì

  • /
  • 4.4.2012 - 12:11

Từ đầu vụ Đông Xuân đến nay, trên cây mì xuất hiện bệnh lạ gây thiệt hại nghiêm trọng, hoang mang cho bà con nông dân

Hàm Tân là huyện nông thôn, vùng sản xuất cây mì chủ yếu của tỉnh, lao động nông nghiệp chiếm 75,68%. Trong những năm qua, hoạt động sản xuất mì trên địa bàn huyện tương đối ổn định, diện tích trồng mì tăng lên hàng năm, năm 2005: 3.272 ha, năm 2006: 3.642 ha, năm 2007: 6.449 ha, năm 2008: 8.764 ha..., năm 2011 xấp xỉ 10.000 ha.

Từ đầu vụ Đông Xuân đến nay, trên cây mì xuất hiện bệnh lạ gây thiệt hại nghiêm trọng, hoang mang cho bà con nông dân. Tính đến nay, tổng số diện tích cây mì bị bệnh khoảng 50%, xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn huyện trong đó chủ yếu là xã Tân Phúc, Tân Đức, Thắng Hải.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, bệnh do Phytoplasma (dịch khuẩn bào) gây ra, được gọi là bệnh “chổi rồng”. Đây là bệnh nguy hiểm đối với cây mì do tốc độ lây lan nhanh và mức độ gây hại trầm trọng phổ biến tại các vùng trồng mì ở các tỉnh phía Nam nước ta. Bệnh lây lan qua hom giống và côn trùng môi giới (nhện, rầy), giống mì KM 94 dễ bị nhiễm bệnh hơn so với các giống khác. Triệu chứng bệnh: cây mì giai đoạn trước thu hoạch mọc nhiều chồi ngọn và chồi thân. Cây bị nặng lá cây nhỏ lại và thô cứng, đọt cây xì mủ, các đốt thân ngắn lại, trên thân và củ phần tiếp giáp với vỏ chuyển màu thâm đen, chồi bị chết khô

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hàm Tân cho biết, tình trạng bệnh trên cây mì hiện chưa có biện pháp điều trị, xảy ra do 03 nguyên nhân chủ yếu

- Một là, người dân trồng mì liên tục trong nhiều năm, đất nhanh chóng bị bạc màu, nghèo kiệt do khai thác quá mức, đất bị đè nén, phá vỡ cân bằng cơ học và NPK trong đất, sức kháng bệnh kém

- Hai là, giống mì KM94 ở Hàm Tân đã tồn tại lâu và khá phổ biến, thời gian sử dụng kéo quá dài (từ năm 1994), chậm thay đổi giống mới dẫn đến khả năng nhiễm bệnh cao.

- Ba là, sự lạm dụng quá mức các loại hoá chất dùng trong nông nghiệp như các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ dùng không đúng liều lượng quy định.

Từ những nguyên nhân nêu trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp Hội Nông dân huyện triển khai công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân khi xảy ra tình trạng bệnh trên cây mì cần thực hiện một số công việc sau:

- Chủ động đốt bỏ diện tích cây mì bị bệnh, vệ sinh đồng rộng, cày ải phơi khô trong một thời gian;

- Nên trồng mì theo hướng luân chuyển, trên cùng một diện tích hằng năm thường xuyên thay đổi loại cây trồng để đảm bảo giữa khai thác và cải tạo đất cũng như để “đất có thời gian nghỉ dưỡng” thì mới cho năng suất cao;

- Chuyển đổi giống mì mới, chú ý mua giống ở nơi có nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy;

- Nên bón cho cây các loại phân hữu cơ hoặc vi sinh nhằm tái tạo đất, hạn chế sử dụng các loại hoá chất đặc biệt là thuốc diệt cỏ.

Để giúp nhân dân yên tâm hơn trong sản xuất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Tân chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, mặt trận các đoàn thể, các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh trên cây mì cho nhân dân; đồng thời giúp đỡ, hướng dẫn cho nhân dân trong việc thay đổi giống mì và các loại cây trồng mới thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Hàm Tân là vùng đất thích hợp với nhiều loài cây trồng cho hiệu quả kinh tế khá cao, người nông dân với tham vọng “đổi đời” thay vì trồng mì nên chuyển dần sang trồng cây trôm, cây Jatropha, cao su... Qua tình hình trên, thiết nghĩ bà con nông dân nên có cái nhìn đúng đắn hơn trong sản xuất để có hiệu quả kinh tế cao và ổn định lâu dài, tránh tình trạng “chặt trồng, trồng chặt” đã xảy ra như cây điều, mía./- (Ngọc Quý)

 


  • |
  • 900
  • |

Các tin khác