Sản xuất cây mì ở Hàm Tân

  • /
  • 5.4.2012 - 14:34

Cây mì (Manihot esculenta) là cây lương thực ăn củ có thể sống lâu năm, thuộc họ Đại kích (Euphorbiaceae), có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Mỹ La tinh và được trồng cách đây khoảng 5.000 năm, được người Bồ Đào Nha đưa đến Congo của châu Phi vào thế kỷ 16. Ở Châu Á, mì được du nhập vào Ấn Độ khoảng thế kỷ 17 và Sri Lanka, Trung Quốc, Myanma cuối thế kỷ 18. Với Việt Nam cây mì được du nhập vào khoảng giữa thế kỷ 18, nơi trồng mì đầu tiên là Tây Ninh, Sông Bé và chỉ sau một thời gian ngắn cây mì có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.

Cây mì có thời gian sinh trưởng từ 6-12 tháng, có nơi 18 tháng, tùy giống, vụ trồng, địa bàn trồng và mục đích sử dụng, đặc điểm nổi trội là thích hợp sinh trưởng ở nhiều loại đất; đến nay cây mì được trồng trên 100 nước có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và là nguồn thực phẩm khá dồi dào của con người. Tổ chức FAO xếp mì là cây lương thực quan trọng sau lúa gạo, ngô và lúa mì. Tinh bột mì là thành phần chủ yếu trong chế độ ăn của hơn một tỷ người, là thức ăn chính trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá trị cây mì trong nhiều năm trở lại đây được nâng lên đáng kể khi nó trở thành hàng hóa xuất khẩu chế biến bột ngọt, bánh kẹo, mì ăn liền, ván ép, bao bì, màng phủ sinh học, chất phụ gia dược phẩm, đặc biệt ngày nay cây mì trở thành nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol) thay thế nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu). Ở Việt Nam, cây mì đã chuyển từ cây lương thực sang cây công nghiệp với tốc độ cao, năng suất và sản lượng mì đã tăng nhanh ở đầu thế kỷ XXI.

Nguồn thu nhập quan trọng của các hộ nông dân là từ cây mì do mì dễ trồng, vốn đầu tư ít, phù hợp sinh thái và điều kiện kinh tế nông hộ. Từ năm 1996-1997, cây mì cao sản được nông dân Bình Thuận, đặc biệt là nông dân Hàm Tân quan tâm mở rộng diện tích theo tỷ lệ GIÁ MÌ TĂNG-DIỆN TÍCH TĂNG, đặc biệt hơn Hàm Tân là vùng màu, có nhiều điều kiện để thích ứng nhanh, hiệu quả với việc chọn cây trồng mới, mặt khác yếu tố có tính chất quyết định là khí hậu, thời tiết khá thuận lợi, lượng mưa bình quân hằng năm 1.700 ml rất phù hợp cho cây mì sinh trưởng, phát triển và đạt hiệu quả kinh tế cao. Diện tích cây mì tăng theo hằng năm, năm 2005: 3.272 ha, năm 2006: 3.642 ha, năm 2007: 6.449 ha, năm 2008: 8.764 ha... năm 2011 xấp xỉ 10.000 ha.

Số liệu trên đặt ra cho chúng ta thấy “phải chăng cây mì đã thay đổi vai trò từ cây XÓA ĐÓI trở thành cây KINH TẾ” là một hướng đi đúng, bền vững ?. Có lẽ chưa khi nào nông dân trồng mì lại có niềm vui như năm 2010, vừa được mùa vừa trúng giá, thế là một số vườn điều, vườn nhãn được chặt bỏ thay vào đó là những rẫy mì. Năm 2011 nông dân Hàm Tân tiếp tục mở rộng diện tích cây mì, những rừng tràm, xà cừ, bạch đàn lại tiếp tục được chặt bỏ để những rẫy mì bạt ngàn xanh ngát, cò bay thẳng cánh mọc lên với diện tích tăng lên gần 10.000 ha, năng suất bình quân 220 tạ/ha. Qua 6 năm thành lập và phát triển, huyện Hàm Tân mới ngày nay đã từng bước “thay da đổi thịt”, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Kết quả đó một phần cũng xuất phát từ cây mì, với giá mì như hiện nay 1.900-2.000 đồng/kg mì tươi, trừ chi phí, nông dân trong huyện còn lời từ 18-22 triệu đồng/ha. Cá biệt một số hộ thâm canh tăng năng suất đạt trên 30 tấn/ha, lợi nhuận thu được lên đến hơn 30 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, trong thực tế cũng có nhiều năm nông dân lao đao vì giá mì quá thấp, như năm 1997, năm 2008 thu hoạch không đủ trả tiền công... Từ đó,  sản xuất cây mì cần có những giải pháp và hướng đi thật đúng đắn, yêu cầu chúng ta cùng suy nghĩ:

- Giá mì tăng cao, khiến nhiều nông dân có xu hướng tiếp tục tăng diện tích cây mì trong vụ tới, vì vốn đầu tư ít, công chăm sóc không nhiều. Thế nhưng, nếu nông dân ở nhiều nơi ồ ạt tăng diện tích trồng mì rất khó đảm bảo giá mì vụ tới vẫn cao, trong thực tế không những cây mì mà nhiều cây khác đều phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả thị trường đáng quan tâm là tính ổn định thường không cao.

- Trồng mì liên tục trong nhiều năm đất nhanh chóng bị bạc màu, nghèo kiệt do khai thác quá mức, đất bị đè nén, phá vỡ cân bằng cơ học và NPK trong đất (người trồng mì bổ sung cho đất từ 500 kg-700 kg phân các loại nhưng lấy ra từ 30 - 35 tấn kể cả cây và củ, so với một số cây trồng khác như đậu, bắp, keo lá tràm...). Do đó, nông dân nên trồng mì theo hướng luân chuyển, trên cùng một diện tích hằng năm thường xuyên thay đổi loại cây trồng để đảm bảo giữa khai thác và cải tạo đất cũng như để “đất có thời gian nghỉ dưỡng” thì mới nâng cao năng suất.

- Giống mì là yếu tố có tính chất quyết định đến năng suất, chất lượng, hiệu quả, song hiện nay ở Hàm Tân đã tồn tại khá lâu và khá phố biến giống mì KM94, thời gian sử dụng đã kéo quá dài dẫn đến khả năng kháng bệnh rất kém, vụ Đông Xuân 2010, vụ Hè Thu 2011 diện tích cây mì bị bệnh là khá phổ biến ở nhiều nơi, gây hoang mang cho người trồng. Nên chăng, chúng ta phải sớm tiếp cận một loại giống mì mới năng suất cao hơn để giúp cho nông dân.

- Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra với người trồng mì, do giá cả không ổn định, nông dân nên trồng 2 đến 3 loại cây vừa mì, bắp, đậu, từng bước ổn định tích lũy trồng cây lâu năm hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn so với trồng mì như hiện nay. Ngoài ra, qua tìm hiểu ở nhiều nơi thì Hàm Tân là vùng đất thích hợp với nhiều loài cây trồng cho hiệu qua kinh tế khá cao, người nông dân với tham vọng “đổi đời” thay vì trồng mì nên chuyển dần sang trồng cây thanh long, cây trôm, cây Jatropha, cao su…/- (Nguyễn Xuân Nhì - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hàm Tân)


  • |
  • 1287
  • |

Các tin khác