Hiệu quả quản lý – Nhân tố con người và chính sách tiền lương

  • /
  • 5.4.2012 - 15:57

Quản lý suy cho cùng là quản lý con người và thông qua nỗ lực của con người để thực hiện mục tiêu, mục tiêu đó cũng chính là nhằm phục vụ cho con người. Vì vậy, xét một cách tổng quát thì con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng nhất, quyết định toàn bộ sự vận động, phát triển của hệ thống quản lý.

Trong hoạt động quản lý thì mục tiêu và động lực là hai vấn đề quan trọng nhất, quyết định sự vận động và phát triển của hệ thống quản lý. Trong phạm vi bài viết này, xin được luận đôi điều về bản chất, vai trò của mục tiêu, động lực, mối quan hệ của chúng với yếu tố con người và trên hết là vấn đề tiền lương hiện nay.

Có thể hiểu đơn giản mục tiêu của quản lý là trạng thái tương lai, là đích phải đạt tới của toàn bộ hệ thống quản lý. Mục tiêu quản lý có nhiều loại, nhiều cấp. Mục tiêu cấp thấp, ngắn hạn phải phục tùng, thống nhất và định hướng vào mục tiêu cấp cao và lâu dài. Vì vậy, việc cụ thể hóa và bảo đảm sự thống nhất của hệ thống mục tiêu là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhằm tránh tình trạng rối loạn, không hướng vào mục tiêu cuối cùng. Nhưng xét cho cùng, trong hệ thống mục tiêu đó, con người luôn là mục tiêu lớn nhất, bao trùm nhất của tất cả mọi lĩnh vực quản lý. Còn xét về động lực quản lý lại chính là yếu tố quyết định sự vận động, phát triển của toàn bộ hệ thống nhằm đạt mục tiêu đã xác định. Là cái thúc đẩy làm cho biến đổi và phát triển, nó tác động trực tiếp đến hành vi của cá nhân, của tập thể, từ đó tạo khả năng thực hiện các mục tiêu đã hoạch định. Chính vì vậy, không có động lực, hệ thống sẽ không vận hành và phát triển.

Ở khía cạnh quản lý, hiện nay người ta chú ý nhiều đến động lực cá nhân trong tổ chức mà cụ thể là động lực vật chất và động lực tinh thần. Đây chính là những nhân tố bên trong kích thích con người nỗ lực làm việc trong điều kiện cho phép. Vì vậy, xét một cách tổng quát thì con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng nhất, quyết định toàn bộ sự vận động, phát triển của hệ thống quản lý. Giữa mục tiêu và động lực trong quản lý có mối quan hệ đặc biệt, không có động lực sẽ không tiếp cận được mục tiêu và mục tiêu sẽ tạo ra động lực, ngược lại động lực là nhắm đến mục tiêu. Trong quản lý, những chủ trương quyết sách đúng đắn sẽ khơi dậy nguồn động lực tổng hợp trong toàn bộ hệ thống. Thực tế muốn có động lực tốt phải giải quyết tốt vấn đề nhu cầu lợi ích vật chất, tinh thần phù hợp với ý chí, nguyện vọng của người lao động thì mới khuyến khích và tạo ra được động lực đúng đắn, thúc đẩy khơi dậy tiềm năng của cá nhân, tập thể nhằm đạt những mục tiêu đề ra. Tất nhiên sẽ không cho phép tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân mà còn phải gắn liền với lợi ích tập thể và toàn xã hội.

Mối tương quan với vấn đề tiền lương.

Xét về nhu cầu thì con người ngoài nhu cầu cấp thấp (sinh lý, an ninh, an toàn…) còn có nhu cầu cấp cao (được xã hội tôn trọng, tự thể hiện …). Vì vậy trong quản lý, hiểu đối tượng đang ở cấp độ nhu cầu nào để đưa ra các giải pháp phù hợp tạo động lực cho đối tượng nhằm đạt đến mục tiêu hệ thống luôn là vấn đề khó. Nếu chỉ quá chú trọng đến lợi ích kinh tế là mục tiêu, động lực cao nhất thì có thể sẽ dẫn đến sự lệch lạc. Làm phát sinh những hành vi trái pháp luật hoặc tạo ra hiện tượng con người chỉ làm việc vì tiền, quên đi những mục tiêu tốt đẹp khác. Đối với Đảng ta, quản lý trong chế độ XHCN thì từ trong bản chất của mình đã luôn luôn là vì con người, đề cao và phát huy nhân tố con người, vì vậy xác định mục tiêu và động lực trong quản lý còn chú trọng đến sự thỏa mãn nhu cầu về tinh thần của con người, tạo điều kiện cho con người được cống hiến nhiều hơn để được hưởng thụ nhiều hơn, khuyến khích mọi năng lực sáng tạo, khi đó hiệu quả công việc sẽ được đẩy lên rất cao. Quan điểm này đã được Đảng ta xác định rõ “Mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là vì con người, do con người. Chiến lược kinh tế - xã hội đặt con người vào vị trí trung tâm, giải phóng sức sản xuất, khơi dậy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân, mỗi tập thể lao động và cả của cộng đồng dân tộc.”(Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000. Nxb Sự thật, Hà Nội, 2001, trang 4).

Trong hệ thống quản lý, kết quả của mục tiêu, động lực của tổ chức cũng như của từng cá nhân trong hệ thống phụ thuộc rất lớn vào chính sách tiền lương và thu nhập. Hiện nay trong các doanh nghiệp, tiền lương và thu nhập của người lao động  lại phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty, cùng với chính sách cổ phần hóa tạo cơ hội cho người lao động cùng góp vốn để được hưởng lợi tức từ kết quả sản xuất kinh doanh chính là những yếu tố hết sức quan trọng có tác động tích cực tới người lao động làm cho họ hăng say sản xuất, gắn bó với công ty, doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước, mặc dù đã nhiều lần điều chỉnh nhưng chế độ lương ở nước ta lâu nay chỉ có bước cải tiến rụt rè. Về cơ bản nó vốn lạc hậu trong quan niệm, bất hợp lý trong cách tính thang bậc... và điều quan trọng nhất là chưa đảm bảo cuộc sống của những người sống bằng lương. Chính điều này là một trong những nguyên nhân của nạn sách nhiễu, ăn tiền. Ngoài vấn đề đời sống, tiền lương còn liên quan chặt chẽ tới phòng, chống tham nhũng, hoạt động của hệ thống cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội liên quan. Nếu tình trạng này kéo dài, không những nó huỷ hoại sức sản xuất, sáng tạo mà sẽ có khi nó trở thành phổ biến, thành “nếp sống” của một bộ phận công chức, viên chức, gây cản trở cho quá trình đạt được mục tiêu xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh… Vấn đề này, tại một hội thảo gần đây tại Tp.HCM, Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Đoàn Cường đã nhấn mạnh “Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương của cán bộ công chức phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường. Nếu không thỏa mãn tốt quan hệ này, trong khi tiền lương của họ quá thấp thì sẽ xảy ra hội chứng “tước đoạt để bù đắp’ trong thực thi công việc, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng”…

Tiền lương phải là động lực.

Việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư, tạo động lực để kinh tế phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Như vậy, chi tiền lương hợp lý không những tạo động lực cho phát triển do kích thích người lao động toàn tâm, toàn ý vào công tác, vào sản xuất mà nó còn phản ánh bản chất của chế độ kinh tế-xã hội và bản sắc văn hóa của dân tộc, phản ánh các giá trị của xã hội, phản ánh trình độ phát triển kinh tế của đất nước. Ở Việt Nam, nhờ có những cải cách, nhất là từ năm 1993 đến nay, tiền lương và thu nhập của người làm công ăn lương có xu hướng tăng 10%-20%/năm, giúp từng bước cải thiện đời sống người lao động. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, chính sách tiền lương của Nhà nước ở các khu vực chậm đổi mới và thể chế hóa, không theo kịp cơ chế kinh tế thị trường, thiếu công bằng xã hội và chưa tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một điều nhận thấy rõ rằng với đồng lương nhà nước thấp như hiện nay thì hệ thống quản lý nhà nước khó thu hút được nhân tài so với hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước. Những bức xúc vấn đề tiền lương từ bấy lâu nay như lương của cán bộ, công chức, viên chức rất thấp và thấp hơn khu vực sản xuất kinh doanh, chưa bảo đảm cho họ sống chủ yếu bằng tiền lương; thu nhập ngoài lương lớn; quan hệ tiền lương chưa hợp lý; các mức lương theo hệ số gắn quá chặt với tiền lương tối thiểu chung; tiền lương chưa gắn thật chặt với vị trí, chức danh và hiệu quả công tác, sự chênh lệch về thu nhập giữa các ngành nghề là quá cao … đã được bàn luận rất nhiều nhưng cũng rất chậm được khắc phục.

Đơn cử như lương của những chuyên viên có thâm niên tối thiểu 10 năm cũng chỉ ở bậc 03 với chưa đầy 2,5 triệu đồng/tháng, không bằng thu nhập của một người giúp việc nhà. Lương của một trưởng phòng có thâm niên 20 năm cũng chỉ bằng thu nhập của một tài xế lái xe. Điều này hoàn toàn ngược lại với mức lương bình quân của nhân viên văn phòng trong các tập đoàn Petro, Dầu khí, EVN… như báo chí gần đây công bố luôn là ước mơ của rất nhiều người trong hệ thống hành chính hiện nay. Chính điều này đã và đang hình thành xu hướng tìm kiếm thu nhập ngoài lương, từ biếu xén, xin - cho, ăn chia, tạo sân sau ..., nhất là ở các ngành và vị trí gắn với con dấu và chữ ký đang có xu hướng gia tăng và gắn liền với tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, để lại các di hại nặng nề. Hơn nữa, nếu như lương trong mỗi công ty tư nhân thì ai biết của người nấy, còn mỗi lần Nhà nước tăng lương tối thiểu lại một lần tạo làn sóng “té giá theo lương” đã nhanh chóng tước đi lợi ích danh nghĩa mà người nhận lương được hưởng từ tăng lương danh nghĩa này, khiến lương thực tế và mức sống thực tế thậm chí đôi khi lại kém đi so với thời điểm hưởng lương cũ. Bên cạnh đó, hệ thống thang bậc lương quá nhiều làm phức tạp trong quá trình thực hiện, chế độ và chính sách thực hiện lương chưa khuyến khích người lao động nỗ lực phấn đấu do tình trạng “sống lâu lên lão làng”, cứ đến đúng thời hạn thì lại được xếp lên lương, những công chức, viên chức dù có cống hiến nhiều, hiệu quả cao đến mấy thì cũng khó xét đặc cách lên lương. Điều này, về lâu dài nếu không điều chỉnh sẽ làm triệt tiêu động lực lao động và ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu, nhân tố phát triển con người mà trên hết là kết quả hoạt động của cả một hệ thống.

Tuy nhiên, với nguồn ngân sách giới hạn như ở nước ta hiện nay thì không thể trong cùng một lúc có thể giải quyết hết những bất cập, bất hợp lý như đang bàn luận. Vấn đề đặt ra hiện nay là bảo đảm sự công bằng về hưởng thụ trong quan hệ tiền lương giữa các loại lao động, các vùng, thúc đẩy mọi người cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp chấn hưng kinh tế đất nước, chống đặc quyền, đặc lợi trong thu nhập. Cả dưới góc độ kinh tế chính trị cũng như kinh tế phát triển, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới, hội nhập và phát triển toàn diện đất nước theo yêu cầu hiện đại và bền vững, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, trong đó con người luôn là mục tiêu cao nhất và động lực mạnh nhất của phát triển như tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra, tiền lương ngày càng trở thành vấn đề tổng hợp, có ý nghĩa kinh tế - xã hội - chính trị gắn bó chặt chẽ với nhau và có vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo động lực phát triển, cả vĩ mô lẫn vi mô, trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài.

Định hướng nào cho chính sách tiền lương?

Một chính sách tiền lương tốt phải phát huy được sức sáng tạo và năng lực, hiệu quả của đội ngũ lao động, nhất là lao động có chất lượng cao, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý, tăng cường sự đồng thuận xã hội và kỷ cương công vụ, giảm thiểu tình trạng tham nhũng, sự can thiệp hành chính vào thị trường của các nhóm lợi ích cũng như giảm thiểu những gian dối trong hạch toán tài chính doanh nghiệp, cơ quan. Chính sách tiền lương còn phải đặt trong mối tương quan hài hòa thu nhập giữa các khu vực thị trường, lĩnh vực ngành nghề và tạo động lực định hướng và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Về nguyên tắc, tiền lương là giá cả của lao động và phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động, ngày càng góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng sống của người lao động. Hơn nữa, chính sách tiền lương phải đặt trong tổng thể chính sách phân phối và tái phân phối, bảo đảm công bằng xã hội, việc làm và gắn với vị trí lao động cụ thể có sự quản lý của Nhà nước. Để tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức vừa là động lực, vừa là mục tiêu quản lý, vì con người và phát triển con người, một số giải pháp đặt ra cần sớm được điều chỉnh và áp dụng đối với chế độ lương trong hệ thống quản lý nhà nước xin được giới thiệu như sau :

Thứ nhất rút bớt số bậc trong các ngạch tạo điều kiện mở rộng khoảng cách giữa các bậc trong ngạch, giảm bớt tính bình quân trong tiền lương, trong đó chú trọng nâng thêm mức lương trung bình, mức lương thấp có lợi cho số đông cán bộ, công chức và người hưởng lương nhưng đồng thời cũng phải nâng mức lương tối đa để khuyến khích người có trình độ chuyên môn cao.

Thứ hai cần thực hiện sự ưu đãi, biệt đãi đối với những người có cống hiến lớn, có tài năng, khắc phục tình trạng người sử dụng lao động không có quyền trả công xứng đáng cho người lao động có nhiều cống hiến, có trình độ khoa học công nghệ cao. Lương của chuyên gia có trình độ cao về khoa học, công nghệ, chuyên môn có thể cao hơn lương người phụ trách đơn vị.

Thứ ba cần mở rộng nhiều kênh, nhiều con đường thăng tiến cho mọi người, cho sự phát triển tài năng, đặc biệt cho lớp trẻ, khuyến khích mọi người học tập, trau dồi kiến thức, làm việc trong những ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường của mình, cống hiến ngày càng nhiều để có mức lương tương xứng với hiệu quả lao động của mình. Khắc phục khuynh hướng chạy theo địa vị, chỉ phấn đấu trên một con đường độc đạo theo ngạch hành chính.

Thứ tư chính sách tiền lương khu vực nhà nước phải bảo đảm tiền tệ hóa đầy đủ tiền lương và lương là thu nhập chính, đáp ứng mức sống của cán bộ, công chức ở mức trên trung bình của xã hội. Sớm nghiên cứu xây dựng và thực hiện trả lương theo vị trí, chức danh, công việc và hiệu quả công tác, khắc phục tính cào bằng của việc gắn hệ số lương với mức lương tối thiểu chung. Đặc biệt, có cơ chế đặc thù, trả lương đặc biệt và tôn vinh xứng đáng các nhân tài và lao động lành nghề, chuyên môn cao trong khu vực nhà nước.

Thứ năm đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công thực hiện hạch toán thu - chi trong cung cấp dịch vụ công, tự chủ tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tuyển dụng lao động theo chế độ hợp đồng làm việc và trả lương người lao động phụ thuộc vào năng suất, chất lượng cung cấp dịch vụ theo vị trí làm việc và yêu cầu chuẩn chung của nhà nước. Đồng thời, nhà nước tăng cường hơn nữa chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số khi sử dụng dịch vụ.

Cuối cùng, cải cách tiền lương gắn với thị trường lao động cần mang tính đồng bộ, cần được tiến hành một cách linh hoạt, thích hợp và nhất quán theo hướng thị trường. Linh hoạt hơn trong quy định mức tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động theo thay đổi chung của thị trường, theo kết quả lao động trong tổng thể phát triển của xã hội và trình độ phát triển của nền kinh tế làm căn cứ cho việc đề ra các chính sách hay các thỏa thuận, thương lượng giữa các bên có liên quan về tiền lương.

Bên cạnh đó, để có được một chính sách tiền lương hữu hiệu, để người lao động sống được bằng lương, trước mắt phải quyết liệt trong cải cách hành chính, tinh giản biên chế và bộ máy quản lý các cấp, các ngành; thúc đẩy sản xuất phát triển trên mọi thành phần kinh tế chứ không chỉ dựa vào khu vực quốc doanh; tăng cường và quản lý chặt chẽ các nguồn thu, chống thất thu thuế, đồng thời quản lý chặt chẽ các khoản chi, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, điều chỉnh thu nhập từ những người có thu nhập cao. Đồng thời xác định mục tiêu đúng đắn, sử dụng hợp lý các phương pháp để khơi nguồn động lực và giải quyết tốt mối quan hệ giữa mục tiêu và động lực trên cơ sở vì con người, do con người chính là những yếu tố giúp chủ thể và đối tượng quản lý đạt được hiệu quả cao và sớm đạt được những mục tiêu đã xác định thông qua cơ chế thu nhập và tiền lương hợp lý. Điều đó sẽ góp phần thực hiện tốt chủ trương Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng ta về vấn đề con người và thu nhập tiền lương./. (Quốc Thái)


  • |
  • 1671
  • |

Các tin khác