Giao thông nông thôn Hàm Tân: lời giải cho bài toán phát sinh

  • /
  • 21.6.2012 - 15:9

Năm 2012, Hàm Tân đăng ký danh mục 17 tuyến đường và được tỉnh ghi vốn. Theo đó toàn huyện có 5.119m đường giao thông nông thôn (GTNT) sẽ kiên cố hóa với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4,186 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 2,088 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 0,649 tỷ đồng và huy động nguồn đóng góp tự nguyện trong nhân dân tối thiểu 1,449 tỷ đồng.

Triển khai 6 tháng đầu năm 2012, tính đến nay trong tổng số 17 tuyến đường các xã, thị trấn đã đăng ký, huyện đã triển khai thi công 6 tuyến có chiều dài 950m với tổng kinh phí đầu tư gần 01 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 300 triệu đồng. Các tuyến còn lại đang trong quá trình phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự kiến khởi công và hoàn thành trong các tháng 9, 10 năm 2012.

Theo đánh giá của UBND huyện nhìn chung các xã, thị trấn đã có sự tập trung nhưng chưa thực sự quyết tâm cao trong triển khai thực hiện nên các tuyến đường triển khai thi công chưa nhiều, chỉ tập trung ở khâu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, vận động nhân dân đóng góp kinh phí, vật liệu … Bên cạnh đó cũng có những nơi cấp ủy, chính quyền quan tâm, triển khai tích cực như Tân Thắng, Thắng Hải, cộng với nỗ lực vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận cao nên đã xây dựng và hoàn thành theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công. Từ đây có một thực tế phát sinh, đó là những nơi (đặc biệt là xã Tân Thắng) đã hoàn thành, tiếp tục kiến nghị cho phép lập hồ sơ thi công thêm một số tuyến đường ngoài kế hoạch mà nhân dân địa phương đang bức xúc. Trong đó có một số tuyến nằm trong kế hoạch huyện đăng ký từ đầu năm nhưng do vốn tỉnh phân khai trong năm chỉ xấp xỉ 02 tỷ đồng/huyện nên nhiều tuyến bị cắt giảm.

Kể từ khi phát động, phong trào làm đường GTNT giờ đây đã trở nên rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Có được sức lan tỏa kể trên bởi, người dân đã ý thức được lợi ích của việc xây dựng giao thông là điều kiện quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống sinh hoạt của chính họ. Thêm vào đó, với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể đã giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông. Theo đó cán bộ, đảng viên là những người tiên phong, làm nòng cốt để tuyên truyền cho các hộ dân làm theo. Chính vì vậy, đối với những nơi làm tốt, phong trào đang lên cũng cần phải có cách nhìn thoáng hơn. Thực tế phát sinh như ở Tân Thắng nêu trên tỉnh, huyện nên ủng hộ cho lập hồ sơ bổ sung, tiến hành thi công và tính vào kế hoạch của năm tới để tiếp tục phát huy sức mạnh của toàn dân. Đây cũng chính là điều kiện quan trọng để các xã hoàn thành tiêu chí về giao thông trong số 19 bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thiết nghĩ được như vậy sẽ càng tăng thêm tính nguyên tắc dân chủ, tạo niềm tin trong nhân dân. Khơi dậy và phát huy vai trò trách nhiệm, tính năng động trong tổ chức thực hiện. Đồng thời chú trọng công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc để khuyến khích, động viên sẽ đẩy mạnh sức lan tỏa trong phong trào, góp phần phát huy tính tự giác cách mạng của người dân, phát huy tinh thần tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. (Quốc Thái)


  • |
  • 890
  • |

Các tin khác