Kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng; không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Xác định được tầm quan trọng đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra từ huyện đến cơ sở luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Cũng từ thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian qua của Đảng bộ huyện Hàm Tân luôn được quan tâm, chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, góp phần giúp các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ngăn ngừa được sai phạm (số liệu: Từ năm 2011 đến đầu năm 2015 các cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra kiểm tra, giám sát được 809 lượt đơn vị và 203 đảng viên; trong đó tổ chức đảng có vi phạm phải xử lý kỷ luật là 02 và đảng viên vi phạm phải xử lý kỷ luật 47). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ít cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng chưa đầy đủ; ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước chưa cao; suy thoái về tư cách, phẩm chất đạo đức; tư lợi cá nhân…đó là trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, góp phần ngăn chặn sự suy thoái trong Đảng, công tác kiểm tra, giám sát cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tiếp tục chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng, của cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới; làm cho mọi đảng viên thấy được kiểm tra, giám sát là việc không thể thiếu trong các hoạt động lãnh đạo của Đảng. Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp uỷ, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội phải là những tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức, lối sống, xác định đúng đắn và nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Hai là, chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá, đồng thời hàng năm phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức kiểm tra, giám sát có trọng tâm, sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, đơn vị; tăng cường giám sát việc khắc phục những sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra; đề cao việc tự kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên, xác định đúng đắn trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; phát huy vai trò, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra, các ban của cấp ủy và làm tốt chức năng tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Làm tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Kiểm tra với các cơ quan chức năng theo quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng để tổ chức thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả cao.
Ba là, coi trọng tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; trong đó đặc biệt coi trọng tính gương mẫu, tính liêm khiết của người lãnh đạo, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể, mà trước hết là các đồng chí cấp uỷ viên không tham nhũng, tham ô và kiên quyết kiểm tra làm rõ những hành vi, đối tượng tham nhũng dù ở bất cứ chức vụ gì để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu sẽ có hiệu quả hơn, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng; tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên, gắn công tác kiểm tra Đảng với sự giám sát, kiểm tra của các tổ chức quần chúng để chủ động phòng ngừa, hạn chế những sai phạm của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết xử lý và chỉ đạo xử lý nghiêm minh các trường hợp đảng viên, tổ chức đảng vi phạm.
Bốn là, các cấp ủy tích cực chủ động và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cuộc kiểm tra theo kế hoạch đề ra, đặc biệt tập trung đi sâu kiểm tra những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ, chế độ chính sách..; về trách nhiệm cá nhân của cán bộ chủ chốt, của người đứng đầu đang hoạt động ở các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực quan trọng, địa bàn trọng điểm; tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên là cấp uỷ viên, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý về tình hình chấp hành nguyên tắc của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà trọng tâm là nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; tình hình chấp hành chỉ thị, nghị quyết cấp trên, cấp mình; kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là việc bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ, nâng cao tính chiến đấu của từng tổ chức cơ sở đảng; đi sâu kiểm tra việc thực hiện quyền dân chủ trong Đảng; thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; kiểm tra, giám sát về mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, việc chấp hành Quy định của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm; chú ý kiểm tra, giám sát việc giữ gìn phẩm chất cách mạng, đạo đức và lối sống, gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua mỗi cuộc kiểm tra, giám sát phải có đánh giá, rút kinh nghiệm để phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ.
Để thực hiện tốt các giải pháp trên, các cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp cần tăng cường quyết tâm, nổ lực hơn nữa để công tác kiểm tra, giám sát của đảng thực hiện một cách mạnh mẽ, đi sâu vào nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân, góp phần ngăn ngừa sai phạm và suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên./.