Ông Mai Tấn Quốc-Trưởng Phòng giáo dục-Đào tạo huyện cho biết: Ngày đầu thành lập, Ngành Giáo dục huyện chưa có trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi đạt thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng cao. Để khắc phục tình trạng trên, Phòng Giáo dục-Đào tạo tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng giảng dạy, phát động phong trào thi đua, tăng cường vận động xã hội hóa giáo dục, tham mưu UBND huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất... Nhờ đó, quy mô trường lớp trên địa bàn huyện không ngừng được mở rộng. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, đã đầu tư xây mới 203 phòng học, 81 phòng chức năng, sữa chữa nâng cấp nhiều hạng mục công trình trường lớp với tổng kinh phí đầu tư 137 tỷ 511 triệu đồng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em địa phương, không còn tình trạng học sinh phải học trong các phòng học tạm bợ. Song song với việc xây dựng trường lớp mới, Huyện cũng đã đầu tư trên 17 tỷ đồng hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của huyện nhà từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng cao, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm dần. Đến nay, mỗi xã, thị trấn đều có hệ thống trường lớp từ Mầm non đến THCS. Năm học 2013-2014 đã xây mới trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em nhân dân 3 xã biển Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ. Hiện toàn huyện có 10 trường THCS, 18 trường tiểu học, 11 trường mầm non, 3 trường THPT; so với đầu nhiệm kỳ, toàn huyện tăng 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 2 trường THCS và 1 trường THPT.
Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên luôn được xác định là yếu tố quan trọng mang tính quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đây cũng là vấn đề đáng tự hào của ngành. Sau nhiều năm phấn đấu đến cuối năm học 2014-2015, toàn huyện có 1.115 cán bộ, giáo viên. Tỷ lệ đạt chuẩn toàn ngành 100%, trong đó trên chuẩn đạt gần 70%. Đội ngũ này đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, được bố trí phù hợp ở các cấp học.
Đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện đã đẩy mạnh đổi mới công tác dạy và học. Đến thời điểm này, ngành giáo dục Hàm Tân đã có bước phát triển mới, đảm bảo đủ các loại hình giáo dục trên địa bàn. Mạng lưới trường lớp mở rộng tới tận thôn, khu dân cư, từ nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo đến ngành học phổ thông. Hằng năm, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi, 6 tuổi ra lớp luôn đạt 100%; tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt trên 99%. Tỷ lệ bỏ học năm sau giảm hơn năm trước và thấp hơn tình hình chung của cả tỉnh; từ 1,95% trong năm học 2011-2012 giảm xuống còn 1,3% trong năm học 2014-2015. Ngành luôn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đang hoàn thành hồ sơ để được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Trong 5 năm qua, ngành giáo dục huyện đã bứt phá vươn lên với 7 trường đạt chuẩn Quốc gia gồm 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 1 trường mầm non. Trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là trường Tiểu học Tân Phúc 1.
Trong nhiệm kỳ, ngoài nhiều “cái nhất”, như tỷ lệ kiên cố trường học, xây dựng trường chuẩn Quốc gia, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn… thì Hàm Tân là một trong những huyện thực hiện theo đúng lộ trình cam kết với tỉnh về Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Bên cạnh đó, Ngành đã tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh; 100% trường tiểu học thực hiện dạy học ngoại ngữ từ lớp 3 trở lên; tổ chức dạy tin học cho học sinh từ lớp 3 trở lên ở những nơi có điều kiện ở cấp tiểu học; tăng cường việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú cho các trường mầm non, các trường tiểu học để tăng thời lương học tập và các hoạt động giáo dục thể chất, thẩm mỹ cho học sinh.
Thời gian tới, ngành Giáo dục huyện sẽ tiếp tục tổ chức phát động và đẩy mạnh các phong trào thi đua, khen thưởng nhằm phát huy sức mạnh cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn ngành nhằm tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Đặc biệt là tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế, yếu kém của ngành nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như trong hành động cán bộ, giáo viên, nhân viên góp phần thực hiện thắng lợi thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra...
Mặc dù vẫn còn những trăn trở cần nỗ lực giải quyết trong nhiệm vụ công tác giáo dục. Tuy nhiên kết quả đạt được của Ngành giáo dục huyện nhà trong nhiệm kỳ qua là quan trọng, vừa là tiền đề vừa là động lực cho ngành giáo dục nỗ lực vươn lên giành nhiều thành tích quan trọng hơn nữa trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương Hàm Tân.