Riêng ở huyện Hàm Tân có 09/10 xã, thị trấn có người nghiện ma túy, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy và đối tượng nghiện ma túy thời gian gần đây diễn ra với tính chất nghiêm trọng và phức tạp, phương thức thủ đoạn manh động, liều lĩnh và tinh vi, đặc biệt gần đây xuất hiện tình hình mua bán sử dụng trái phép ma túy tổng hợp hay còn gọi là “Hàng đá” rồi thực hiện các hành vi nguy hiểm khác; tình hình trồng và tái trồng cây cần sa vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.
Xác định được mức độ nguy hại của ma túy đối với cộng đồng, những năm qua, huyện Hàm Tân đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống và kiểm soát ma túy: Tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy; vận động toàn dân tham gia đấu tranh, bài trừ tệ nạn ma túy; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn trọng điểm, xử lý vi phạm hành chính, lập hồ sơ 20 đối tượng nghiện ma túy để quản lý, giáo dục, đưa vào cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh – giáo dục – Lao động Xã hội tỉnh; đến nay có 14 đối tượng chấp hành xong thời gian cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm, đang áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Thường xuyên rà soát, cập nhật đối tượng nghiện ma túy mới phát sinh để kịp thời ngăn chặn, cảm hóa giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi cho người sau cai nghiện được học nghề, giúp đỡ có việc làm ổn định, hạn chế tái nghiện, tái phạm. Đặc biệt, quan tâm đến công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, quản lý sau cai nghiện; phân công cụ thể cho các ngành, các tổ chức đoàn thể theo dõi, cảm hóa giáo dục, giúp đỡ tạo việc làm cho các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay đã có 02 đối tượng cai nghiện thành công và được giúp đỡ tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng để sản xuất, tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình hoạt động của tội phạm ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy trên từng địa bàn huyện vẫn còn nhiều diễn biến phúc tạp; đa số người nghiện ma túy có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp. Mặt khác, đối tượng nghiện ma túy trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn mặc cảm nên chưa phối hợp trong việc tư vấn học nghề, trợ giúp tìm kiếm việc làm.... nên dễ bị lôi kéo, tái nghiện. Do đó, để làm tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện trong thời gian đến, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy và công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho mọi tầng lớp nhân dân ở địa bàn dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mọi người trong công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú; vận động đối tượng và gia đình người nghiện tự giác khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp; tăng cường tuyên truyền cho nhóm người nghiện ma túy và gia đình người nghiện về các thủ tục, chế độ, chính sách, các hình thức cai nghiện và các dịch vụ trong quá trình cai nghiện; khuyến khích tham gia cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và tại các cơ sở cai nghiện khác.
Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, phá bỏ cây cần sa trồng trái phép, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. Quan tâm hướng dẫn người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, đồng thời, lập hồ sơ, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Có chính sách phù hợp nằm khuyến khích các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy cũng như tham gia công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm, quản lý; giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.