Triển khai thực hiện Kế hoạch số 120-KH/TU, ngày 24/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đến năm 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định việc nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay; xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác chính trị tư tưởng của các cấp uỷ và các tổ chức đảng trên địa bàn huyện; góp phần từng bước tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương và phát huy truyền thống cách mạng của đảng bộ các cấp, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Qua 03 năm triển khai thực hiện, đã tổ chức học tập, quán triệt cho 2.783 lượt người tham gia; có 1.302 đảng viên tham gia học tập, quán triệt tại chi, đảng bộ nơi mình sinh hoạt (đạt tỷ lệ trên 96%); 973 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên ngoài Đảng tham dự học tập chung với đảng viên tại chi, đảng bộ và 9.015 đoàn viên, hội viên trong các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội. Các cấp ủy, chính quyền, địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức 05 Hội thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương, hội thi kể chuyện về Bác Hồ, các buổi giao lưu, nói chuyện truyền thống, hành trình về nguồn thăm các di tích, địa danh lịch sử... thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia. Tính từ khi chia tách huyện đến nay, toàn huyện đã biên soạn và xuất bản 07 công trình lịch sử đảng bộ địa phương (gồm 1 công trình cấp huyện và 06 công trình cấp xã). Nhìn chung, các tập sách lịch sử xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung mang tính thống nhất chung với lịch sử Đảng bộ huyện. Nội dung các tập sách xuất bản đã tái hiện lại lịch sử một cách đầy đủ, chân thực, có đánh giá tổng kết thực tiễn lịch sử, rút ra bài học kinh nghiệm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Công tác lưu trữ có nơi chưa chặt chẽ, công tác sưu tầm tư liệu còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ cho nghiên cứu, biên soạn, xuất bản ở xã, thị trấn và cấp huyện còn khó khăn. Đội ngũ cán bộ chưa được tập huấn, hướng dẫn sâu kỹ, năng lực có mặt còn hạn chế.
Giai đoạn 2021 - 2025, lộ trình cụ thể đã được Ban Thường vụ Huyện ủy xác định: Bắt đầu từ năm 2021 triển khai sưu tầm, hệ thống tư liệu đến năm 2020; biên soạn bổ sung, tái bản lịch sử Đảng bộ huyện từ 1930 đến 1975, từ 1975 đến 2005 và biên soạn mới Lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Tân 1930 - 2020, trong đó bổ sung 01 chương từ năm 2005 đến 2020. Thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2021 và hoàn thành vào cuối năm 2024. Đối với các xã, thị trấn: Thị trấn Tân Minh, Tân Nghĩa, Xã Tân Xuân, Tân Thắng xây dựng kế hoạch triển khai sưu tầm, hệ thống tư liệu đến năm 2020; bắt đầu từ năm 2021, triển khai biên soạn bổ sung, tái bản lịch sử Đảng bộ địa phương giai đoạn kháng chiến (từ 1930 đến 1975) và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc (từ 1975 đến kỳ đại hội Đảng bộ địa phương gần nhất). Riêng các xã mới thành lập chưa đủ 20 năm, bao gồm Tân Đức, Tân Phúc, Sông Phan, Tân Hà, Sơn Mỹ, Thắng Hải tổ chức sưu tầm và lưu trữ tư liệu lịch sử, tạo điều kiện thuận lợi khi có chủ trương biên soạn sau năm 2025./.