Huyện Hàm Tân được chia tách từ huyện Hàm Tân (cũ) và đi vào hoạt động từ cuối năm 2005, đến nay đã được 16 năm. Từ sau chia tách, huyện Hàm Tân là một huyện thuần nông, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 80%). Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, UBND huyện đã ra sức kêu gọi và thu hút đầu tư của các Doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 432 doanh nghiệp, số lao động hơn 4.500 người. Về thu hút đầu tư, huyện có 18 dự án đầu tư du lịch, 02 khu công nghiệp, 03 cụm công nghiệp và một số dự án, doanh nghiệp nhỏ khác đã được chấp thuận đầu tư. 01 dự án du lịch bắt đầu đi vào hoạt động (Dự án của Công ty Cổ phần Cổ Kim Mỹ nghệ), 02 dự án đang được đầu tư xây dựng (dự án Cát Vân, Lạc Việt), cụm Công nghiệp Thắng Hải (giai đoạn 1) đã hoàn thành đầu tư hạ tầng và đã có một số nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư. Một số doanh nhân đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao uy tín. Một số sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đủ tiêu chuẩn để tham gia xuất khẩu. Đa số doanh nhân sản xuất, kinh doanh có lãi, đóng góp phần lớn vào ngân sách nhà nước huyện (đóng góp chiếm trên 60% so với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn).
Những năm qua, trong điều kiện huyện còn nhiều khó khăn song các cấp,
các ngành đã nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân; nhờ đó, đội ngũ doanh nhân đã từng bước phát triển, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tăng khá, đóng góp đáng kể trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương như giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương, nộp ngân sách, tham gia đóng góp các loại quỹ Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; xây dựng đường giao thông nông thôn; nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhận đỡ đầu cho trẻ mồ côi... góp phần ổn định chính trị - xã hội của huyện, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân trong huyện còn nhiều hạn chế, nhất là năng lực trong quản lý, kinh doanh. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất với quy mô nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, năng lực đầu tư còn hạn chế, thiếu vốn, khó khăn về thị trường, sản phẩm chưa thật sự đa dạng, khả năng cạnh tranh không cao, kinh doanh thiếu ổn định; đồng thời do tình hình khủng hoảng tài chính tiền tệ, ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đã làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đầu tư với tiến độ cầm chừng, một số doanh nghiệp không thể xoay sở được nguồn vốn để đầu tư. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự quan tâm phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận doanh nhân chưa chấp hành tốt quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh; chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Công tác xây dựng và phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài Nhà nước còn khó khăn đã ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn huyện và ảnh hưởng không ít đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và nắm bắt cơ hội phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương cần: 1) Tiếp tục quán triệt sâu kỹ, đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 10-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy; gắn với thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp, từng cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đối với vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân; xác định đây là một trong những lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. 2) UBND huyện tiếp tục có kế hoạch rà soát giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành và phân công cơ quan phụ trách đầu mối để theo dõi và tham mưu. UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, cấp ủy xã, thị trấn rà soát và bổ sung vào nhiệm vụ chính trị hàng năm để thực hiện. Tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Chính phủ, của tỉnh nhằm bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân; phối hợp với các ngành của tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch kinh tế và tiếp tục chỉ đạo công khai, thông tin quy hoạch đầy đủ; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Có kế hoạch phối hợp với các đơn vị thương mại để tổ chức các đợt hội chợ, triển lãm. Tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý chất lượng hàng hóa cho các doanh nghiệp, doanh nhân. 3) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân gương mẫu chấp hành, thực hiện tốt các quy định của pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; đề cao trách nhiệm xã hội và đạo đức, văn hóa trong kinh doanh; đồng thời, biểu dương, tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân điển hình tiên tiến trong việc nêu cao tinh thần yêu nước và tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các hoạt động xã hội, giảm nghèo ở địa phương. 4) Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho lực lượng lao động trên địa bàn huyện sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, địa phương. 5) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); Chương trình hành động số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 10-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy; Kế hoạch số 13/KH-UBND, ngày 27/02/2013 của Uỷ ban nhân dân huyện và việc thực hiện các chính sách đối với doanh nghiệp. 6) Đẩy mạnh công tác phát triển đảng, xây dựng tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; gắn việc phát triển doanh nghiệp với xây dựng và phát huy vai trò doanh nhân. Chú trọng việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện vào Đảng. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. 7) UBND huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 10-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy và Kế hoạch số 13/KH-UBND, ngày 27/02/2013 của Uỷ ban nhân dân huyện; thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy để theo dõi, chỉ đạo.