Sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài
Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chống khai thác IUU, chống khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài theo Chỉ thị số 30-CT/TU và các văn bản, ý kiến chỉ đạo có liên quan. Chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn, nhất là các xã ven biển phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Thủy sản năm 2017 và các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi khai thác IUU quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ nhằm cảnh báo, ngăn ngừa các hình vi vi phạm, tạo sự thống nhất trong hành động, quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong huyện khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; ngăn chặn, xử lý tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài
Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, Đảng ủy, UBND các xã có tàu cá thường xuyên rà soát, nắm chắc thông tin tàu cá trên địa bàn quản lý; hướng dẫn thực hiện các thủ tục, điều kiện đảm bảo theo quy định; đồng thời, chỉ đạo UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU trên địa bàn huyện và ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và UBND các xã trong trao đổi, cung cấp thông tin, kiểm tra, giám sát tàu cá, ngư dân nhằm ngăn chặn, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. UBND huyện và UBND các xã đã thành lập Tổ công tác để hướng dẫn rà soát, thống kê, tổng hợp phân loại tàu cá “3 không” trên địa bàn (gồm tàu chưa đăng ký, hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản) và thông báo cho chủ tàu thực hiện nghiêm quy định về điều kiện hành nghề theo Luật Thủy sản 2017. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 329 thúng chai, 199 chiếc tàu cá từ 06m đến dưới 12m, 07 chiếc tàu cá từ 12m đến dưới 15m, 02 chiếc tàu cá từ 15m trở lên, số lượng tàu cá tập trung ở các xã Tân Thắng, Thắng Hải, Tân Xuân và Sơn Mỹ; số tàu cá đã đăng ký là 11 chiếc, đạt 5,3%, số tàu cá chưa đăng ký theo quy định là 197 chiếc, chiếm 94,7%. Tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định đối với tàu cá từ 15 mét trở lên là 02/02 chiếc, đạt 100%.
Việc thực hiện các chính sách đối với ngư dân khai thác vùng biển xa bờ
Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ hải sản trên các vùng biển xa; từ năm 2018 đến nay, Chi cục Thủy sản đã thực hiện chi trả số tiền hỗ trợ là 649.180.000 đồng cho các chủ tàu cá trên địa bàn huyện mua bảo hiểm, mua nhiên liệu để yên tâm vươn khơi.
Qua 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trên địa bàn huyện Hàm Tân đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong huyện khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; tập trung, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp theo Công văn số 81-CT/TW, ngày 20/3/2020 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tỉnh để tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ; các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản, các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; các ngư dân có tàu thuyền công suất lớn yên tâm bám biển, vươn khơi đánh bắt, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định đạt 100%.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong huyện khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài chưa thật sự bền vững; công tác quản lý tàu cá còn nhiều khó khăn, vẫn còn một lượng tàu cá có chiều dài từ 6m chưa được đăng ký, quản lý theo quy định; trên địa bàn huyện chưa có bến, cảng neo đậu cho tàu thuyền có công suất lớn, tất cả các tàu cá có chiều dài từ 12 mét trở lên của huyện đều phải neo đậu các bến ngoài địa phương nên chính quyền cũng như lực lượng chức năng huyện rất khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát.
Xác định việc thực hiện nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong huyện khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị trong toàn Đảng bộ huyện tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp để ngăn chặn, kiên quyết không để tàu cá, ngư dân trong huyện vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thường xuyên rà soát, thống kê đưa vào theo dõi, quản lý các tàu cá, ngư dân có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để có biện pháp quản lý, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm.