Dân vận chính quyền có thể được hiểu đó là việc cán bộ chính quyền các cấp với nhiều hình thức hoạt động, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ được giao để làm tốt công tác phục vụ nhân dân, làm cho nhân dân nhận thức được bản chất tốt đẹp của chính quyền là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, Chính quyền ngày càng vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Công tác dân vận là hoạt động của nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị, thông qua nhiều hình thức, trong đó Mặt trận và các đoàn thể chủ yếu thông qua hình thức tuyên truyền, vận động là chính; nhưng với tâm lý nhân dân “trăm nghe không bằng mắt thấy” nên công tác tuyên truyền có phần hạn chế. Mặt khác, do trình độ dân trí, phân bố dân cư, điều kiện cuộc sống của từng bộ phận nhân dân khác nhau, đa số không có điều kiện, thời gian để tiếp xúc để nghe tuyên truyền hoặc không theo dõi được các phương tiện thông tin đại chúng; chưa kể hoạt động của một số đoàn thể có lúc còn mang tính hình thức nên tác động đến với nhân dân chưa cao. Nhưng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền là những tác động thường xuyên liên quan trực tiếp đến dân, chỉ cần những biểu hiện nhỏ của cán bộ, công chức đối với nhân dân trong quá trình tiếp xúc trực tiếp cũng đã để lại cho người dân những suy nghĩ tốt đẹp hoặc ngược lại. Dù ít hay nhiều, bất cứ người dân nào cũng có việc cần phải liên hệ đến chính quyền; thái độ ân cần, niềm nở, giải thích cặn kẽ mọi điều khi người dân đến liên hệ làm việc thì dù không giải quyết được, người dân cũng cảm thấy vui lòng, vì họ cảm thấy được tôn trọng; ngược lại, sự quan liêu, cửa quyền, hách dịch, thờ ơ, lãnh đạm đối với những nhu cầu chính đáng của nhân dân, làm cho người dân bức xúc dẫn đến bất đồng, từ đó thiếu thiện cảm và khó có thể đồng thuận với những tổ chức mà cán bộ, công chức đó là người đại diện. Như vậy, chỉ cần một thái độ, một hành động nhỏ của cán bộ chính quyền trong quá trình làm việc với dân là có thể góp phần làm cho công tác dân vận có hiệu quả tốt.
Nhiệm vụ của chính quyền là phải cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước các cấp thành những công việc cụ thể của từng địa phương để thực hiện. Nếu các công việc cụ thể đó phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân, mang lại lợi ích cho nhân dân và việc triển khai thực hiện có hiệu quả cao thì nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Chính quyền. Thông qua công tác dân vận Chính quyền, làm cho nhân dân hiểu rõ bản chất tốt đẹp của Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; bản chất Nhà nước không phải là cái chung chung, mà nó thể hiện qua những cán bộ, công chức đại diện cho Nhà nước để thực hiện quyền lực chính trị, nếu những cán bộ đó thực sự là công bộc của dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, tận tâm phục vụ nhân dân thì nhân dân càng thấy rõ bản chất tốt đẹp của chính quyền. Những chính sách do chính quyền ban hành và thực hiện mang lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc càng làm cho nhân dân cảm nhận sâu sắc những giá trị đích thực mà chế độ mang lại cho họ; cán bộ, công chức là cầu nối quan trọng thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, làm cho quan hệ đó ngày càng gắn bó mật thiết. Cán bộ chính quyền khi tiếp xúc với nhân dân, nên nắm bắt và thấu hiểu những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó đề xuất, kiến nghị, tham mưu cấp trên những phương án, những quyết sách đúng đắn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chính đáng của nhân dân; quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức của bộ máy chính quyền sẽ phát hiện ra những bất cập trong chính sách, chế độ và đề xuất điều chỉnh kịp thời. Có như thế mới tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo nên một nền tảng chính trị- xã hội vững chắc; có thể nói mối quan hệ đó phần lớn phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động và sự tận tâm của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Dân vận chính quyền góp phần làm tăng sự đồng thuận, làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; dân vận tốt sẽ tạo sự đồng thuận của nhân dân cao, suy cho cùng hiệu quả và thước đo công tác dân vận chính là mức độ đồng thuận của nhân dân với chính quyền và với cả hệ thống chính trị
Để thực hiện tốt công tác dân vận, trong đó có công tác dân vận chính quyền, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết quan trọng, như Nghị quyết 8B của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VI) “về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân”; Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị (khoá VI) về Dân tộc và miền núi; Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị (khoá VII) về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận thống nhất; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, về công tác Dân tộc, công tác Tôn giáo; Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá X) về xây dựng giai cấp công nhân; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về công tác thanh niên; Quyết định số 290 của Bộ Chính trị (khoá X) về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; ngày 03/6/2013 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ Bảy (khoá XI) ban hành Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới, trong quan điểm chỉ đạo Nghị quyết đã chỉ rõ “Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị... trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể là tham mưu, nòng cốt”.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động dân vận chính quyền, ngày 21/9/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg về Tăng cường công tác dân vận; Chỉ thị đã nêu rõ vai trò và những thành tựu của dân vận chính quyền trong thời gian qua, đặc biệt chỉ ra những yếu kém để khắc phục trong thời gian tới "Do nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận nên không ít cán bộ, công chức còn chưa đi sát và chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân, tác phong làm việc còn quan liêu, cửa quyền, nặng về biện pháp mệnh lệnh, hành chính, áp đặt, coi nhẹ việc vận động, thuyết phục. Việc phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở một số cơ sở trong công tác dân vận còn chưa cụ thể, hiệu quả chưa cao". Từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho chính quyền các cấp phải nâng cao hiệu quả dân vận chính quyền: "Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, sửa đổi lối làm việc theo hướng dân chủ hóa và công khai hóa, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh những hành vi sách nhiễu, ức hiếp nhân dân, xâm phạm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân".
Trong thời gian qua, nhất là từ khi huyện mới chia tách (2005) đến nay, công tác dân vận chính quyền ở Hàm Tân đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần tích cực tham gia xây dựng địa phương; nhân dân đã tin tưởng cùng với chính quyền các cấp trong huyện thực hiện tốt các phong trào: “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới”, phát triển giao thông nông thôn… Nhân dân đã hiến hàng chục ngàn m2 đất, cây cối, hoa màu để xây dựng các công trình phúc lợi; đóng góp xây dựng quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây dựng và trao tặng hàng ngàn căn nhà tình thương cho người nghèo; giúp đỡ hàng ngàn lượt hộ nghèo vượt qua khó khăn để vươn lên; gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng được quan tâm giúp đỡ, cuộc sống ngày càng khá hơn; nhiều phong trào, mô hình trong cộng đồng dân cư được hình thành và phát triển, góp phần xây dựng và chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục đó là: Việc triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền và quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ở khối cơ quan chính quyền trong huyện chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa chính quyền và Mặt trận các đoàn thể chưa được phát huy; công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân còn thiếu sâu sát, chưa thường xuyên, không kịp thời; năng lực nắm bắt, dự báo tình hình thực tế trên từng địa bàn của một số cán bộ còn hạn chế, có nơi thiếu chủ động; việc giải quyết, xử lý của chính quyền về những vấn đề phức tạp ở một số nơi còn hạn chế; hoạt động của khối vận cơ sở ở một số nơi chưa thật sự hiệu quả, đồng chí Trưởng khối vận xã, thị trấn kiêm nhiệm nhiều việc; việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở chưa được phát huy đúng mức, chưa phát huy tốt vai trò của Thanh tra nhân dân; công tác tiếp công dân, hoạt động tiếp xúc, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được quan tâm đầu tư; việc triển khai thực hiện các chính sách đôi lúc thiếu kịp thời, để xảy ra sai sót.
Từ thực tế trên, để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền trong thời gian đến, xin đề xuất một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động dân vận nói chung và dân vận chính quyền nói riêng. Quán triệt sâu kỹ đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức về những tư tưởng, quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận; làm thay đổi nhận thức và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng người về vấn đề này. Bởi cho đến nay, không ít cán bộ, công chức, viên chức chưa thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc vận động quần chúng nhân dân, mà cho đó là công việc của Mặt trận, các đoàn thể, của Ban Dân vận, của Khối vận cơ sở.
Thứ hai, khi thực hiện chủ trương, chính sách cần phải tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia góp ý dự án, công trình, quy hoạch... Thực hiện các chính sách phải kịp thời, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Khi thực hiện chính sách các cơ quan chính quyền và cán bộ thực thi nhiệm vụ phải biết “Dân vận khéo”, làm tốt công tác điều hành, tuyên truyền vận động, giải thích, thuyết phục.
Thứ ba, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, kỹ năng ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức. Có trường hợp cán bộ có trách nhiệm với dân nhưng do trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị hạn chế, nên khi giải quyết công việc lúng túng, không rõ ràng; không phát biểu được trước công chúng, giải thích thiếu thuyết phục, làm cho nhân dân thấy không thoả dáng, thiếu tin, dẫn đến bất đồng với chính quyền.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch những quy định về thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho nhân dân, giải quyết nhanh, có hiệu quả công việc có liên quan đến nhân dân; nâng cao trách nhiệm người đứng dầu cơ quan, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cán bộ, công chức, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những người lợi dụng công vụ có thái độ gây phiền hà, nhũng nhiễu, thiếu tôn trọng nhân dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại với công dân; giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong nhân dân
Thứ năm, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong việc thực hiện quy chế dân chủ, phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại tố cáo; các cơ quan khối chính quyền và Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn phải cử cán bộ theo dõi công tác dân vận. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa chính quyền và Mặt trận, các đoàn thể; quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Thứ sáu, đưa tiêu chí công tác dân vận chính quyền vào đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức; khen thưởng đối với cán bộ, công chức được nhân dân yêu mến, tin tưởng; đồng thời có biện pháp xử lý đối với những cán bộ, công chức bị nhân dân phản ánh về thái độ, hành vi trong quá trình giải quyết công việc.