Sáng 1/5/1930 với sự tham gia của công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy và nông dân các huyện lân cận đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, chống khủng bố, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định, ủng hộ Liên bang Xô Viết. Từ tháng 5 - 9/1930, ở vùng Nghệ - Tĩnh đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân. Ngày 1/8/1930, phong trào phát triển lên một bước mới: Công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu “một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến”. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ - Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc (ngày 4/8), Nam Đàn (ngày 6/8 và 30/8), Thanh Chương (ngày 12/8), Nghi Lộc (ngày 29/8) và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong 2 tỉnh. Từ tháng 9/1930, các cuộc biểu tình vũ trang tự vệ quy mô lớn kết hợp với các yêu sách chính trị liên tiếp nổ ra của nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc, Hưng Nguyên... Ngày 7/11/1930, hơn 1.000 nông dân huyện Yên Thành và gần 2.000 nông dân huyện Diễn Châu tổ chức biểu tình thể hiện tinh thần Quốc tế vô sản. Ở các huyện miền núi, huyện Con Cuông, vào ngày 9/8/1931, chi bộ Đảng Môn Sơn đã lãnh đạo 300 nông dân các dân tộc trong vùng đấu tranh với địa chủ, tịch thu lúa, tiền, bạc nén chia cho các gia đình nghèo.
Như vậy, chỉ trong vòng gần 1 năm (từ 1/5/1930 - đầu năm 1931), phong trào đấu tranh của công nông 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã lan rộng từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền núi, gây những tổn thất nhất định cho chính quyền thực dân nửa phong kiến.
Thành quả của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh
Về chính trị, Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phá bỏ được bộ máy chính quyền của thực dân phong kiến ở thôn xã. Nông hội Đỏ đã buộc bọn lý trưởng nộp sổ sách, con dấu cho chính quyền Xô viết. Chính quyền Xô Viết đã ban bố quyền tự do dân chủ cho nhân dân trong làng như: tự do hội họp, tự do học chữ và tự do tham gia vào các đoàn thể cách mạng.
Về kinh tế, chính quyền Xô Viết tịch thu ruộng đất công, tiền, lúa công chia cho dân nghèo. Xô Viết bãi bỏ các thứ thuế như: thuế thân, thuế muối, thuế chợ, thuế đò; buộc các tổng lý phải trả lại cho dân khoản tiền đã thu, các chủ nợ phải xoá nợ cho người nghèo, chủ ruộng phải giảm tô chính, bỏ tô phụ cho nông dân. Xô Viết quy định mức tiền công cho người đi làm thuê và thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ. Chính quyền Xô Viết tổ chức ra các phường, hội để giúp đỡ nhau làm ăn
Về quân sự, từ tháng 9/1930, chính quyền Xô Viết đã thành lập được 411 đội Tự vệ đỏ với 9.114 đội viên, trong đó có 322 đội viên tự vệ cảm tử. Tự vệ đỏ có nhiệm vụ tuần tra canh phòng bảo vệ các cuộc hội họp của Đảng, tính mạng và tài sản của nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự xóm làng, xung kích trong các cuộc biểu tình.
Về văn hóa xã hội: Chính quyền Xô Viết tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân, có 13.592 người đi học với 886 lớp và 553 giáo viên. Đồng thời tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân; bài trừ những hủ tục mê tín dị đoan: bói toán, cầu cúng, cờ bạc, rượu chè…
Ý nghĩa lịch sử của Xô Viết Nghệ Tĩnh
Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn song Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có những ý nghĩa vô cùng lớn lao: Xô Viết Nghệ Tĩnh là cao trào cách mạng đầu tiên của của quần chúng công nông ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó. Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, là thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những trang tiêu biểu nhất của khí phách anh hùng muôn thuở của dân tộc Việt Nam. Gọi là cuộc tổng diễn tập bởi vì qua phong trào này, một loạt vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng được thử thách và đã đem lại những kinh nghiệm bổ ích cho tiến trình cách mạng tiếp sau.
Thắng lợi nhất của Đảng ta trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là đã xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc. Xô Viết Nghệ Tĩnh cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta chủ yếu là công nhân và nông dân, làm cho họ thấy có đủ khả năng lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, xây dựng xã hội mới. Xô Viết Nghệ Tĩnh là hiện tượng độc đáo trong phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới, gây tiếng vang trong toàn quốc và làm chấn động dư luận quốc tế. Thể hiện ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của một dân tộc thuộc địa, khiến cho những dân tộc cùng chung số phận thấy được vai trò lịch sử của mình, càng tin tưởng ở khả năng sáng tạo lịch sử của những người cách mạng. Lần đầu tiên ở nước ta, vấn đề nông dân trở thành một nội dung quan trọng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và cũng là lần đầu tiên vấn đề phản phong được đề cập đến. Phong trào cách mạng 1930 - 1931 đã đào tạo cho cách mạng nước ta một đội ngũ cán bộ rất lớn, vững vàng qua thử thách ác liệt trong cuộc chiến sống mái với kẻ thù của giai cấp và của dân tộc.
Xô Viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho Đảng ta bài học về xây dựng khối liên minh công nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bài học về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trong đấu tranh cách mạng. Bài học về tổ chức áp dụng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng, giành và giữ chính quyền. Bài học về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới của giai cấp công nhân, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Bài học lớn bao trùm đó là sự khẳng định dứt khoát vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiên phong đối với cách mạng Việt Nam.
90 năm đã trôi qua, ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 30 của thế kỷ XX vẫn sáng mãi trong bản anh hùng ca cách mạng Việt Nam. Tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn song hành cùng nhân dân ta hôm nay vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn./.