Trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận. Bác đã chỉ rõ quần chúng nhân dân là chủ thể của cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định mọi sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhưng để nhân dân nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh của mình, Đảng phải tiến hành công tác tuyên truyền, vận động để người dân giác ngộ, tự nguyện làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình. Đó chính là công tác dân vận của Đảng, "dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".
Trong bài "Dân vận" Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho". Việc dân vận rất quan trọng "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Quan điểm "Dân vận khéo" của Bác chính là chỉ dẫn cơ bản về phương pháp cho mọi cán bộ, đảng viên khi tiến hành công tác vận động quần chúng.
Theo Bác, dân vận không chỉ tuyên truyền suông bằng sách báo, mít tinh, khẩu hiệu, mà phải bằng hành động cụ thể, thiết thực. Bác luôn nhấn mạnh: Công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác của Đảng, nếu thiếu hoặc làm không tốt Đảng sẽ không tập hợp được quần chúng làm cách mạng. Nếu không làm tốt công tác dân vận, thì không những không phát huy được sức mạnh toàn dân mà còn bị kẻ thù chống phá, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến lúc ấy dù việc nhỏ đến mấy thì cũng không thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận". Điều đó có ý nghĩa là tất cả cán bộ chính quyền đều phải làm dân vận. Suy ngẫm sâu sắc về vấn đề này chúng ta lại thấy tính chất nhân dân đậm nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cũng trong bài báo Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết nhiệm vụ của người phụ trách dân vận trong 12 chữ: "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Nghĩa là phải vận dụng "ngũ quan", hiểu rõ thực tế, nói phải đi đôi với làm. Phải có óc nghiên cứu để nắm vững bản chất con người, của sự việc. Bên cạnh đó, Bác Hồ còn nhắc nhở: "Dân vận khéo" là phải tránh bệnh chủ quan, phải phát huy dân chủ. "Dân vận khéo" theo Bác còn bao hàm cả việc thành thạo quy trình dân vận. Đó là phải có phương pháp tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu; phải dân chủ bàn bạc với dân để đặt kế hoạch rồi tổ chức cho toàn dân thi hành; phải kiểm tra, theo dõi, động viên, khuyến khích nhân dân; khi xong phải kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng kịp thời. Nhất là công tác kiểm tra để xem các chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận được thi hành đến đâu, có ưu khuyết điểm, hạn chế gì để từ đó có hướng giải quyết nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn.
Hiện nay, việc tiến hành công tác dân vận là một nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, đó là yêu cầu cấp thiết bảo đảm sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, việc tiến hành công tác dân vận của chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập như chưa gần dân, sát dân, chưa nắm được hết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chưa vận dụng thành thạo quy trình dân vận...Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, chấp hành pháp luật đạt hiệu quả chưa cao; khiếu kiện về tranh chấp đất đai vẫn còn. Để vận dụng quan điểm "Dân vận khéo" của Bác Hồ trong tiến hành công tác dân vận ở chính quyền cơ sở hiện nay theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn nữa, cần chú ý thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, quán triệt, giáo dục quan điểm "Dân vận khéo" của Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về công tác dân vận: Việc quán triệt, giáo dục quan điểm "Dân vận khéo" của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được tiến hành bài bản, cụ thể và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương gắn kết với chương trình học tập, bồi dưỡng của cán bộ, đảng viên; tập huấn nghiệp vụ; sinh hoạt nói chuyện chuyên đề; sơ, tổng kết về công tác dân vận... Quá trình đó đồng thời gắn với quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới".
Hai là, thường xuyên bồi dưỡng phương pháp "Dân vận khéo" cho đội ngũ cán bộ, công chức: Xây dựng cho đội ngũ cán bộ công chức tinh thần tôn trọng và phục vụ nhân dân vô điều kiện; xây dựng và thực hành phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân". Rèn luyện cho cán bộ, công chức biết cách vận dụng thành thạo các bước công tác: Điều tra, nghiên cứu, khảo sát, nắm chắc tình hình nhân dân trên địa bàn thông qua các kênh thông tin khác nhau, các hoạt động của tổ chức đoàn thể...; tuyên truyền giáo dục nhân dân về chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định ở địa phương; vận động, thuyết phục nhân dân hưởng ứng, tham gia phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, phong trào "xóa đói, giảm nghèo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"...
Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở tiến hành công tác dân vận: Tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân trực tiếp lãnh đạo tiến hành công tác dân vận. Do vậy, cấp ủy đảng ở cơ sở phải đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể cho từng thời gian nhất định; giao trách nhiệm dân vận cho từng cán bộ, đảng viên; lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh cùng tiến hành công tác dân vận. Đặc biệt, phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị và lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, đôn đốc, phối hợp giữa các tổ chức trong công tác dân vận phải nhịp nhàng, đồng bộ.
Bốn là, xây dựng và nhân rộng mô hình "Dân vận khéo": Để xây dựng được mô hình "Dân vận khéo" đòi hỏi cấp ủy mỗi địa phương phải có chủ trương, kế hoạch sát thực tế và thực hiện chặt chẽ các khâu: Lựa chọn mô hình; dự kiến nhân sự; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp dân vận; xây dựng cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết cho công tác dân vận; thử nghiệm mô hình và tổ chức rút kinh nghiệm; học tập, vận dụng để nhân rộng mô hình.