Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Vì thế, 8 chữ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” là mục đích của Đảng và Đảng thực hiện “đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc”, “đoàn kết để xây dựng nước nhà”, cho nên phải “đoàn kết rộng rãi và lâu dài”, “đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố” và “ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
1. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với tinh thần nhân văn cao cả suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng, các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Người cho rằng, trước hết, cần tuyên truyền, vận động nhân dân. Thứ hai, phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thứ ba, đoàn kết trên cơ sở hiệp thương, dân chủ, chân thành, thẳng thắn, thân ái; đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình và phê bình. Thứ tư, đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc. Phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người, trân trọng “phần thiện”, dù nhỏ nhất ở mỗi con người để tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng.
Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở thống nhất lợi ích quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng; nòng cốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, Người chỉ rõ, cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, dân cư ở các vùng miền khác nhau. Phát huy mặt tương đồng, hóa giải điểm khác biệt. Mẫu số chung để đại đoàn kết toàn dân tộc là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh: “Toàn dân đoàn kết nhất trí thì chúng ta nhất định xây dựng được nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh”.
2. Tăng cường vững chắc khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Trong thời gian qua, Đảng bộ và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, về tôn giáo, về người Việt Nam ở nước ngoài, từng bước được thể chế hóa thành luật, pháp lệnh, chính sách và ngày càng thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.
Thực hiện các chủ trương chính sách đó, Đảng bộ và chính quyền đại phương đã triển khai đồng bộ đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân. Kết quả cho thấy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội được thể chế hóa, đã từng bước được phát huy. Sự đổi mới hệ thống chính trị, việc tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội, nhất là việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc động viên nhân dân và cán bộ hăng hái tham gia các sinh hoạt chính trị của đất nước, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng. Đó là những nhân tố rất quan trọng, là động lực chủ yếu bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do vậy, việc nghiên cứu, học tập nội dung chuyên đề năm 2020, về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là cần thiết, góp phần đẩy mạnh đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới. Việc triển khai chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, từ đó phát huy sức mạnh nội lực, tạo động lực cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời thúc đẩy việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, góp phần xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nội dung mang tính chiến lược trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động và thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Những nội dung cơ bản, cốt lõi về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được đồng chí Trà Thị Thanh Hoa – Bí thư Chi bộ Báo cáo truyền tải súc tích, ngắn gọn với nhiều thông điệp, minh họa cụ thể và để tăng cường khối đại đoàn kết vững chắc trong thời gian đến cần có những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
3. Nhiệm vụ, giải pháp trong việc tăng cường vững chắc khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Có thể khẳng định, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng trở nên sống động và mang tính thời sự, ý nghĩa hết sức quan trọng trước những cơ hội cùng thách thức lớn của quá trình hội nhập ngày một sâu, rộng của đất nước. Để tăng cường phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay. Các cấp ủy đảng và người đứng đầu thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Cần thực hiện triệt để Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương”. Cán bộ, đảng viên phải xung phong, gương mẫu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về đoàn kết và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để nhân dân học và làm theo.
Thứ hai, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các giai tầng, các giới trong toàn dân tộc.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở.
Thứ tư, tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp. Tích cực phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm công tác dân vận. kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đảm bảo thế và lực cho đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.