VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, ĐỘT PHÁ VƯƠN LÊN
Thời điểm mới chia tách, Hàm Tân là một huyện nghèo với nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu và yếu kém; đất đai đồi dốc, bạc màu; đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (đầu năm 2006 là 3.113 hộ, chiếm 21,02%), có 04 xã thuộc chương trình 135 và 01 xã đặc biệt khó khăn, 01 xã bãi ngang ven biển; an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp; đội ngũ cán bộ của huyện còn thiếu; cơ sở làm việc gặp rất nhiều khó khăn... Có thể nói gia tài “ra riêng” của Hàm Tân vào thời điểm ấy hết sức nghèo nàn. Với quyết tâm vươn lên, Hàm Tân đã chủ động lựa chọn đúng bước đi, khâu đột phá; từ đó, tình hình các mặt của huyện hầu hết đều có sự phát triển ổn định qua từng năm; định hướng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường đạt kết quả bước đầu; hiện nay có 38 trang trại chăn nuôi tập trung. Phối hợp các sở, ngành của tỉnh triển khai các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; phát động phong trào, huy động nhân dân thực hiện phát triển thủy lợi nhỏ, kênh mương nội đồng, đào ao trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các ngành sản xuất công nghiệp được duy trì ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm có mức tăng trưởng khá. Tập trung thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế của huyện, đến nay trên địa bàn có 05 cụm công nghiệp, 03 khu công nghiệp, 14 dự án điện mặt trời (02 dự án đi vào hoạt động và 12 dự án đang khảo sát lập dự án đầu tư), 263 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 17 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 18 dự án du lịch (có 01 điểm du lịch cộng đồng); quan tâm tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều công trình, dự án triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng, nhất là các tuyến đường Khu trung tâm hành chính huyện, đường nội thị thị trấn Tân Nghĩa, các tuyến đường liên xã, liên khu phố và các công trình nhà làm việc các cơ quan, đơn vị.... Các hoạt động văn hoá thông tin - thể dục thể thao, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được duy trì, mở rộng. Công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục tiếp tục được chăm lo, chất lượng dạy và học được nâng lên, công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục được quan tâm, góp phần tích cực nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Toàn huyện có 16/36 trường đạt chuẩn Quốc gia. Công tác dân số, việc làm và chính sách xã hội đạt nhiều kết quả. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được duy trì và phát huy hiệu quả; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt trên 80%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, từ 21,02% đầu năm 2006 xuống còn 3,3% năm 2019. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh đó, phong trào thi đua Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai sâu rộng, đến nay 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02/02 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh... góp phần chỉnh trang diện mạo của huyện ngày càng khang trang, giàu đẹp. Công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng được chú trọng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hướng về cơ sở. Lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Học tập và làm theo Bác; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của nhân dân. Công tác tổ chức cán bộ được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, đúng nguyên tắc; tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy từ huyện đến cơ sở. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng. Tổ chức cơ sở đảng thường xuyên được củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Kết nạp đảng viên mới hàng năm liên tục đạt và vượt chỉ tiêu (năm 2006, Đảng bộ huyện có trên 450 đảng viên; đến nay có 1.594 đảng viên). Công tác đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên hàng năm đảm bảo quy định, đi vào thực chất. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp thích hợp, sát với tình hình thực tế. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội được quan tâm, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được chú trọng thực hiện, chất lượng, hiệu quả được nâng lên.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của cả nước, của tỉnh, với tiềm năng lợi thế của huyện, nhất là khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án du lịch, các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, các tuyến đường giao thông hoàn thành đưa vào sử dụng, đặc biệt là dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022 sẽ tạo động lực cho kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển. Để đạt được mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là “Huy động tốt các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Tân xác định và tập trung thực hiện tốt 05 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đề cao vai trò nêu gương, gương mẫu thực hiện của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ. (2) Tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, đô thị, về giao thông, thủy lợi, các khu công nghiệp - dịch vụ, các cụm công nghiệp trên địa bàn để phát triển kinh tế. (3) Tập trung và thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương; nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. (4) Tăng cường quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực, nhất là quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản, môi trường, trật tự xây dựng. (5) Tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của nhân dân. Chú trọng giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong nhân dân. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; thực hiện tốt công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và 02 giải pháp đột phá: (1) Đổi mới, nâng cao năng lực, chất lượng điều hành, tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tập trung thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền năng động, kỷ luật, kỷ cương, hành chính công vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, điều hành. (2) Tạo điều kiện cho phát triển hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển hạ tầng nước sinh hoạt trước, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án du lịch, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn. Có thể thấy, Hàm Tân hôm nay đã thay đổi diện mạo, khoác lên mình bộ áo mới, bộ mặt nông thôn được thay đổi theo hướng văn minh, giàu đẹp; 15 năm chỉ là một chặng đường ngắn so với lịch sử phát triển của một địa phương, một vùng đất, nhưng những nỗ lực của Đảng bộ huyện Hàm Tân trong 15 năm qua đã để lại dấu ấn đáng kể, có thêm niềm tin về Hàm Tân tươi sáng. Một nhiệm kỳ mới bắt đầu với niềm tin, kỳ vọng hướng về tương lai. Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, khách quan, đổi mới và phát triển, Đảng bộ huyện Hàm Tân sẽ tiếp tục đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo những bước đột phá để xây dựng Hàm Tân ngày càng giàu mạnh, văn minh./.