Thực hiện Dân vận có đối tượng vận động, có chủ thể vận động, có phương thức, quy trình và phương châm của công tác Dân vận. Đối tượng của Dân vận là con người- là những chủ thể có nhu cầu, lợi ích, có nhận thức, tâm tư, tình cảm, tâm thế, nguyện vọng..., vừa mang tính phức tạp, vừa mang tính đa dạng, đặc biệt là trong tình hình phát triển mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh như hiện nay càng đòi hỏi người làm Dân vận phải nhận thức đúng và sâu những quy luật và yếu tố tâm lý, nội dung, quy trình và phương pháp Tâm lý học được biểu hiện trong các giai tầng của xã hội, hiểu được tâm lý của con người, tâm lý đám đông... Trong Dân vận, Tâm lý học là nền tảng và có vai trò cơ bản, từ nhận thức, động cơ, tâm thế, niềm tin và ý thức hành động; những trạng thái tâm lý về sự thống nhất lợi ích trong hành động, tính tự giác hóa cũng như sự lây lan tâm lý...
Về phương thức Dận vận, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không chỉ dùng báo chương, sách vở, mittinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”. Làm Dân vận không có nghĩa là chỉ hô hào, cổ vũ, nói lý thuyết, đạo lý suông; mà phải đi vào những công việc cụ thể, quy trình cụ thể để giải thích cho dân hiểu; bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; cùng dân đặt kế hoạch, động viên, tổ chức toàn dân thi hành, trong lúc thi hành thì phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích dân; khi thi hành xong thì cùng với dân kiểm thảo, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Đó chính là tiền đề của phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết công tác Dân vận trong 12 chữ “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Người cũng căn dặn những việc cần tránh trong công tác Dân vận: “...chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết cách làm chủ quan đó, kết quả là “Đem râu ông nọ, chắp càm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không lợi ích gì cả”. Làm Dân vận phải gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe người dân nói; hiểu rõ những khúc mắc và nỗi băng khoăn, lo lắng cũng như nguyện vọng của họ; trò chuyện, trả lời các câu hỏi về cuộc sống đời thường của dân; đến với những người đang gặp khó khăn, những người có vướng mắc, để cảm thông, chia sẻ và để hiểu rõ mong muốn của họ.
Bác cũng luôn nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên: “Muốn thực sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới biết sinh hoạt của quần chúng thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng ra sao”. Người cũng dặn dò cách tổ chức, cách làm việc đối với công tác Dân vận: “Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị với cấp trên mà đặt ra. Nếu cần thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”. Người chỉ rõ công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà đi đầu là công tác Dân vận chính quyền: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh....) đều phải phụ trách dân vận”; công tác Dân vận được đặt ở tầm nhiệm vụ chiến lược, phải được mọi cán bộ chính quyền, đoàn thể tiến hành thường xuyên trong mọi hoàn cảnh, mọi địa bàn, hướng tới mọi tầng lớp nhân dân, tập hợp, củng cố, khơi gợi nguồn sức mạnh toàn dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động để nhân dân cùng tham gia, làm chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phê phán mạnh mẽ những biểu hiện nhận thức lệch lạc về công tác Dân vận: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to lớn, rất có hại”.
“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (Hồ Chí Minh). Dân vận khéo là sự tinh tế, cần cù, công phu, khéo léo, tài hoa, sáng tạo. Dân vận khéo không chỉ là phương pháp khéo mà còn có tâm hồn, nghệ thuật riêng. Đối tượng của Dân vận là con người với cá tính, khí chất, những trạng thái tâm lý, sinh lý khác nhau, hoàn cảnh cụ thể khác nhau (giàu nghèo, sang hèn, địa vị, giai cấp, tầng lớp, nhận thức, trình độ). Vì vậy, không thể áp dụng phương pháp vận động rập khuôn, máy móc; có thể cách vận động này thành công với đối tượng này nhưng lại không thành công với đối tượng khác. Người làm Dân vận cũng vậy, cũng với đối tượng đó, phương pháp đó, người này thì vận động, thuyết phục được đối tượng, nhưng người kia thì không; vì ngoài phương pháp chung còn tùy thuộc vào nghệ thuật riêng của mỗi người. Người cán bộ Dân vận muốn vận động được nhân dân phải biết lo nỗi lo của dân, vui cái vui của dân; chỉ có ban phát thì không vận động được. Dân vận khéo là đặc trưng trình độ, phương pháp Dân vận, đó là sự kết hợp giữa kỹ xảo và nghệ thuật, cách thuyết phục khéo, cảm hóa khéo.
Muốn “Dân vận khéo” trước hết nội dung, mục tiêu Dân vận phải đúng đắn; việc vận động người khác làm phải là việc tốt, việc thiện, việc chính nghĩa và đúng quy định của pháp luật; không đúng, không chính nghĩa thì không vận động được, không thuyết phục được. Dân vận vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật đòi hỏi người làm Dân vận phải có kiến thức, có trình độ, có trí tuệ. Những người vận động, thuyết phục dân nghe theo, làm theo bao giờ cũng là người hiểu biết, những người uy tín, tiêu biểu (các cụ nhà nho, già làng, trưởng bản, nhân sỹ, trí thức, chức sắc được dân tin, nói dân nghe). Đi vận động mà dân hỏi gì cũng không biết, không thông chính sách, không hiểu pháp luật thì làm sao giải thích, vận động, thuyết phục được. Không chỉ có phương pháp, người làm dân vận cũng còn phải có tri thức về tâm lý, về con người, phong tục, tập quán,....
Muốn làm “Dân vận khéo” thì phải thuyết phục khéo. Nội dung đúng nhưng phải biết thuyết phục khéo, có nghệ thuật thuyết phục. Không phải cái gì đúng thì mọi người hiểu và làm theo ngay. Người làm Dân vận phải có chữ “Tâm” để người phục; chữ “Tín” để người theo; chữ “Tình” để người cảm. Theo kinh nghiệm của người xưa: không có nghệ thuật nào hơn lòng yêu quý con người. Người cán bộ Dân vận làm sao nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm để dân tin. Công tác dân vận do vậy, vừa luôn luôn khó khăn và mới mẻ, vừa có ý nghĩa đạo lý và tình cảm sâu sắc. Dân vận khéo thực chất là phương pháp tác động vào con nguời đạt trình độ nghệ thuật; đòi hỏi cách thức khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, dùng lời lẽ mà thuyết phục nhau, cảm hóa nhau, giải quyết công việc với nhau, tạo nên sự đồng thuận, tránh “đao to búa lớn”, xung đột, tổn thất. Dân vận là phương thức vận động chính trị quan trọng tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng, tập hợp quần chúng nhằm thu phục nhân tâm, ổn định dân tình. Để giành thắng lợi về chính trị, bên cạnh biện pháp hành chính, quân sự, thì biện pháp vận động chính trị, vận động sự ủng hộ, đồng tình, đạt sự đồng thuận trong nhân dân là hết sức quan trọng. Ngay với đối phương cũng phải dùng biện pháp vận động (địch vận, binh vận).
Chính vì vậy, công tác Dân vận không thuần túy là nhiệm vụ chính trị, mà còn là một khoa học, một nghệ thuật mà đích đến là làm são cho chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống của người dân, làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin, từ đó hăng hái, tự nguyện, tự giác tham gia.