Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiền bạc; tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương, hình thức. Bác Hồ đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Để tiết kiệm thời gian, Bác dạy: "Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm... Phải nhớ rằng: "Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân".
Nhà ở của Bác chỉ là một ngôi nhà sàn lợp ngói, trên gác có hai phòng, mỗi phòng hơn 10m2, vậy mà Bác đã đề nghị đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng một phòng để khỏi lãng phí.
Bữa ăn của Bác như bữa ăn của mọi nhà: bát canh, quả cà, con cá kho hoặc lát thịt kho. Bác luôn nghĩ đến người nghèo "lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo".
Trong sinh hoạt đời thường, Bác Hồ còn chỉ thị cho những người phục vụ: Vá khăn mặt cho Bác, vá áo lót cho Bác, vá chiếu nằm cho Bác. Có lần khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng. Bác cầm đôi tất xoay chỗ rách vào bên trong người Bác, rồi cười: Đấy có trông thấy rách nữa đâu...
Bác tiết kiệm đến cái nhỏ như tờ giấy: "giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần". Và Bác đã làm để mọi người bắt chước là hàng ngày các văn bản Bác đều viết ở mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam; còn phong bì Bác đều dùng lại phong bì của các nơi gửi tới đến 2, 3 lần. Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to như Bác đã chỉ rõ "nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm... mà lợi cho dân rất nhiều". Bác Hồ thường nói rằng: "Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức".
Đối với Bác Hồ, bất cứ làm việc gì, sử dụng cái gì dù lớn hay nhỏ cũng đều phải tiết kiệm. Bởi theo Bác tiết kiệm cũng như cái thùng có đáy, nước đổ vào không thể đi đâu được. Thế nên Bác Hồ luôn nhắc nhở mọi người "Cần với kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người". Bác Hồ còn dẫn câu ngạn ngữ để mọi người dễ hình dung cái kiểu cần mà không kiệm: "làm chừng nào xào chừng ấy" thì: "cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không".
Trước lúc "đi xa", ngay trong Di chúc để lại, Người căn dặn: "...Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân". Những lời dặn của Người về việc tang lễ khi Người đi xa là việc rất riêng tư nhưng vẫn vì công việc chung của đất nước, vì tình yêu thương vô hạn đối với đồng bào. Đó chính là những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đã gần 49 năm Bác đi xa, nhưng những câu chuyện, những bài học về tiết kiệm của Bác chính là những bài học ý nghĩa sâu sắc, mang tính định hướng tư tưởng đối với mỗi thế hệ người Việt Nam. Từ những thay đổi trong tư tưởng, những bài học đó sẽ tác động đến từng hành động của cá nhân. Học tập tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ chính là học tập để tiết kiệm có thể thành một thói quen hàng ngày. Tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm của cải vật chất mà còn tiết kiệm thời gian, sức lực, tiết kiệm ngôn từ, nói ít làm nhiều, lời nói phải đi đôi với việc làm. Do đó mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.