Từ thực trạng trên, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ X và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, trong thời gian qua các cấp Hội phụ nữ huyện Hàm Tân đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội và đã đạt được những kết quả như sau:
1/ Công tác tuyên truyền, giáo dục luôn được đổi mới cả về nội dung và hình thức: Đã tổ chức nhiều Hội thi, Hội thao, tọa đàm, giao lưu như Hội thi tìm hiểu về Nghị quyết TW4, Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Hội thi cán bộ Hội phụ nữ cơ sở giỏi, Giao lưu tọa đàm vai trò của phụ nữ đối với an toàn thực phẩm… thông qua các Hội thi, các hoạt động tuyên truyền đã chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với 32.904 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ.
2/ Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng cơ sở Hội” phân công các đồng chí Ban Thường vụ, Ban Chấp hành trực tiếp phụ trách địa bàn, hàng năm có kế hoạch lịch tham gia sinh hoạt chi, tổ Hội với thời gian cụ thể, với phương châm bám sát địa bàn, đi sâu, đi sát cơ sở, lấy kết quả hoạt động của cơ sở làm thước đo cho phong trào. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cán bộ chuyên trách cơ quan Hội LHPN huyện đã tham dự hơn 45 buổi sinh hoạt tại các chi, tổ Hội, cán bộ Hội phụ nữ xã tham dự 363 buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội để kịp thời nắm bắt dư luận, tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của hội viên phụ nữ, từ đó phản ánh lên Hội cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời giải quyết. Đồng thời, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính trong công tác tiếp dân, giải quyết các vụ việc, đơn thư khiếu nại, tố cáo. Kết quả trong thời gian qua, Hội LHPN huyện đã tiếp nhận 02 đơn thư của hội viên, phụ nữ chuyển đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Các cơ sở Hội phối hợp với các ban, ngành hòa giải 105 vụ (trong đó, có 66 vụ hòa giải thành; 39 vụ chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết) liên quan đến tranh chấp đất đai, dân sự, tài sản.
3/ Hội đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nhằm đồng hành với hội viên phụ nữ trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng, duy trì và phát triển nhiều mô hình trên nhiều lĩnh vực phù hợp với các đối tượng phụ nữ, hiện nay toàn huyện có 14 nhóm mô hình như: Mô hình “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, Mô hình “Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; Mô hình “Phòng, chống tệ nạn xã hội, gia đình không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội”, các câu lạc bộ “An toàn giao thông”, Câu lạc bộ thể dục thể thao… các mô hình này không chỉ là nơi để chị em sinh hoạt, chia sẽ, giúp nhau hiểu được những kiến thức và kỹ năng mềm trong cuộc sống mà còn thu hút chị em tham gia vào tổ chức Hội, tổng số hội viên hiện nay là 14.198/16.496 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên (đạt 86%), hội viên nòng cốt đạt 29% so với tổng số hội viên, cốt cán chính trị đạt 6%.
4/ Tổ chức và huy động tốt các nguồn lực để hỗ trợ cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, đến nay tổng nguồn vốn Hội đang quản lý trên 200 tỷ/5.202 lượt hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình; phối hợp mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho phụ nữ, qua đó từng bước khẳng định vai trò của phụ nữ đối với gia đình cũng như ngoài xã hội. Đồng thời, bằng nhiều biện pháp hỗ trợ như ngày công, con giống, vốn vay, tập huấn chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, bảo trợ thường xuyên (gạo, tiền và các hiện vật khác…), từ 2016 – 2018, các cơ sở Hội trong toàn huyện đã giúp 1.036 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ (đạt 100%), cuối năm bình xét có 76 hộ thoát nghèo bền vững có địa chỉ cụ thể và 20 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
5/ Các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội thông qua nhiều kênh, nhiều nguồn đã thăm hỏi động viên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, gia đình nghèo, hội viên phụ nữ khó khăn, trong 2 năm (2016 – 2018) các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã vận động trên 2 tỷ (trong đó Hội LHPN huyện vận động số tiền: 118.600.000 đồng; các cơ sở Hội vận động 2.099.640.000 đồng); bên cạnh đó, vận động xây dựng 6 căn nhà nhà tình thương, sữa chữa 4 căn nhà với số tiền 290 triệu đồng.
6/ Song song đó, có thể nói nhiệm vụ giám sát phản biện xã hội là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện chức năng đại diện của tổ chức hội vào việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218- QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền”, Hội LHPN huyện đã làm tốt vai trò trong công tác triển khai thực hiện và trong công tác phối hợp tại đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện giám sát đảm bảo kế hoạch và thời gian. Qua giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã góp phần phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân trong đó có các tầng lớp phụ nữ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, từng bước thể hiện được vai trò đại diện của tổ chức Hội.
Hội LHPN huyện được Hội cấp trên và Huyện ủy tặng giấy khen
Từ những kết quả trên, Hội LHPN huyện 5 năm liền đã đạt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hàng năm được Trung ương Hội tặng bằng khen và được Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, Huyện ủy tặng nhiều bằng khen và giấy khen về hoạt động công tác Hội và các phong trào thi đua khác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội và phong trào phụ nữ huyện nhà còn những hạn chế đó là:
1/ Công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi chưa thường xuyên, việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng trong hội viên, phụ nữ một số nơi chưa kịp thời.
2/ Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động ở một số cơ sở Hội còn chậm, chưa xác định được vấn đề ưu tiên, hoạt động còn dàn trải, chất lượng sinh hoạt ở một số chi, tổ Hội còn nặng về hình thức.
3/ Tính chủ động trong tham mưu, đề xuất ở một số cơ sở Hội còn có mặt hạn chế, chưa thật sự thể hiện được vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em nhất là trong công tác phản biện xã hội về một số chủ trương, kế hoạch của địa phương.
4/ Các hoạt động phối hợp trong công tác đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu và tạo việc làm sau khi học xong cho hội viên phụ nữ đạt thấp.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong giữa nhiệm kỳ còn lại, Hội đề ra một số nhiệm vụ giải pháp sau:
1/ Triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” và 3 nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội.
2/ Thường xuyên kiên toàn tổ chức, bộ máy nâng cao hiệu quả hoạt động của chi hội theo hướng sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ sát thực với tình hình thực tiễn từ cơ sở, đa dạng hóa các loại hình thu hút hội viên, chăm lo bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, phụ nữ.
3/ Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có phẩm chất, trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác Hội ngày càng vững mạnh, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ chi, tổ Hội.
4/ Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để xã hội hóa nâng cao chất lượng các hoạt động Hội, chủ động tham mưu cấp ủy và để xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp tạo điều kiện tổ chức thực hiện các hoạt động.