Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, từ đầu năm 2017 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Tân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp: Ban hành Nghị quyết chuyên đề về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường; tổ chức ký cam kết thực hiện Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND, ngày 8/9/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giữa Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thị trấn với Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với các địa bàn giáp ranh; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm...; gần hai năm qua, đã phát hiện, xử lý 258 trường hợp vi phạm, thu phạt gần 02 tỷ đồng, tịch thu 08 máy nổ, 07 bộ máy bơm hút cát, 10 đầu bơm, 01 bơm xoi trị giá 18.152.000 đồng và tịch thu hàng trăm mét khối cát khai thác trái phép; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, chuyển công tác người đứng đầu cơ quan tham mưu UBND huyện về quản lý tài nguyên khoáng sản, kiểm điểm Chủ tịch UBND 03 xã; 28 trường hợp cán bộ, công chức bị hạ bậc xếp loại cuối năm; 03 trường hợp cán bộ địa chính - xây dựng của các xã, thị trấn bị điều chuyển công tác.
Qua đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép có phần lắng xuống, các “điểm nóng” không còn; tuy nhiên hiện nay tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn còn lén lút diễn ra ở một số nơi trên địa bàn do công tác kiểm tra, xử lý của một số địa phương còn thiếu chủ động, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh, hiệu quả xử lý còn thấp, đặc biệt là chưa tiến hành hậu kiểm sau khi xử lý vi phạm.
Để tiếp tục lãnh đạo nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn nữa; trong đó, phải tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc, kiên quyết thực hiện việc luân chuyển đối với những cán bộ phụ trách công tác tham mưu, quản lý tài nguyên khoáng sản, nhất là những cán bộ thực hiện không tốt nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm, kể cả Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Ngoài ra, phải thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về tiêu cực trong hoạt động quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản, hoạt động khai thác cát trái phép; tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý kiên quyết, triệt để các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ khoáng sản trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp “bảo kê”, tiếp tay, dung túng (nếu có); bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính về khoáng sản thì phải tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hộ gia đình, tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, tự tổ chức hoặc liên kết với các tổ chức, cá nhân khác để khai thác khoáng sản trái phép; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản...
Hy vọng rằng với những giải pháp quyết liệt trên, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở sẽ nâng cao trách nhiệm, phối hợp tốt trong thực hiện nhiệm vụ công vụ để công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản ở địa phương đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.