Hiện tượng học sinh bỏ học hiện nay tại Hàm Tân không chỉ xảy ra trên địa bàn một vài xã vùng xa, khó khăn mà còn trong phạm vi toàn huyện, kể cả Tân Nghĩa là thị trấn trung tâm huyện. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, học kỳ I năm học 2013 – 2014 có 43 học sinh bỏ học, từ đầu học kỳ II đến cuối tháng 3/2014 có thêm 26 học sinh bỏ học, nâng tổng số học sinh bỏ học toàn huyện hiện nay lên 69 học sinh, chiếm tỷ lệ 1,33%; đáng quan tâm là các địa bàn xã Tân Xuân, Tân Thắng, Sông Phan và thị trấn Tân Nghĩa có số học sinh bỏ học tăng cao. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, ngành giáo dục và mọi gia đình cần có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
Mặc dù công tác vận động học sinh bỏ học trở lại lớp đã được các cấp, ngành huyện tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đến tận mỗi gia đình học sinh, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ vật chất cho học sinh nghèo, động viên, thuyết phục nhưng số học sinh quay trở lại trường rất ít. Có nhiều nguyên nhân đến từ nhiều phía: học sinh, gia đình, nhà trường, xã hội… Và theo kết luận của Thường trực Huyện ủy Hàm Tân trong buổi làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vừa qua, còn có nguyên nhân không kém phần quan trọng khác, đó là: sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tập trung đúng mức và quyết liệt. Ngoài ra, theo nhìn nhận khách quan của chúng tôi, Hàm Tân kinh tế xã hội còn khó khăn, có nhiều những trường hợp đặc biệt khó khăn. Mặc dù công tác khuyến học, vận động gây quỹ tạo điều kiện giúp đỡ các em tiếp tục đến trường đã và đang phát huy tác dụng nhưng nguồn lực khuyến học chưa đủ mạnh để có thể bảo trợ dài lâu cho các em… Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân cũng như có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học là một việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay.
Để giải quyết triệt để tình trạng học sinh bỏ học không phải là việc dễ dàng, cần có các giải pháp đồng bộ. Theo kết luận chỉ đạo của Huyện ủy, mục tiêu đặt ra là phải vận động số học sinh bỏ học hiện nay trở lại lớp học trong năm học 2014 – 2015 và hạn chế thấp nhất học sinh bỏ học vào các năm tiếp theo. Muốn vậy, cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Cụ thể, cần có sự phối hợp chặt chẽ, có chiều sâu giữa: Ban Giám hiệu - Giáo viên chủ nhiệm - Cha mẹ học sinh - Chính quyền, đoàn thể địa phương để tất cả những học sinh có biểu hiện sa sút về học tập, chán học hoặc vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật phải được quản lý và có biện pháp ngăn ngừa, giáo dục ngay từ đầu. Một giải pháp không kém phần quan trọng nữa là sự quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của địa phương. Theo đó cần rà soát, xây dựng nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo trực tiếp, cụ thể, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện để các em tiếp tục đến trường.
Có một vấn đề đáng lo ngại nữa chính là một số phụ huynh còn khoán trắng việc học hành cho nhà trường, ít quan tâm theo dõi và tạo điều kiện cho con em học tập tốt; đồng thuận hoặc thờ ơ trước những dấu hiệu con em mình muốn bỏ học và thực tế không thể phủ nhận là tỷ lệ học sinh bỏ học từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ hiện chiếm tỷ lệ khá cao. Đây là điều rất đáng tiếc mà nguyên nhân xuất phát từ những suy nghĩ sai lầm của không ít người làm cha, làm mẹ. Vì vậy thiết nghĩ chính quyền địa phương cần làm thay đổi suy nghĩ của các bậc cha mẹ để họ thấy được tầm quan trọng của việc học, khi đó, họ sẽ cố gắng cho con đi học.