Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy, nhất là sau khi chia tách từ cuối 2005 đến nay. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã chấp hành quán triệt, triển khai cụ thể hóa Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh ủy, Chương trình hành động của Huyện ủy về xóa đói, giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng xã nghèo và hỗ trợ nhà ở cho người nghèo đạt được một số kết quả rõ nét. Điểm nổi bật là nhận thức và trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong công tác xóa đói, giảm nghèo có bước chuyển biến. Các nguồn lực xã hội phục vụ công tác này được huy động ngày càng nhiều và đa dạng theo hướng xã hội hóa. Cơ sở vật chất, hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải tạo, đầu tư xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ nghèo, người nghèo đã vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Song song đó, các biện pháp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, đời sống cho hộ nghèo được thực hiện đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,20% năm 2006 xuống còn 5% năm 2010 và đến cuối năm 2012 còn 11,72% (theo chuẩn mới), năm 2013 dự kiến tiếp tục giảm còn 9,54%. Từ năm 2006 đến năm 2012: thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3,8 lần, thu ngân sách tăng 14 lần; đã hỗ trợ xây dựng 1.638 căn nhà cho hộ nghèo với tổng giá trị 23,050 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới 96,44 km đường, sửa chữa nâng cấp 48,347 km đường, xây mới 05 cầu và 12 cống thoát nước các loại; xây dựng mới 05 chợ; có 97,8% tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện sản xuất và sinh hoạt; có 530.402 lượt người được khám và điều trị bệnh; đến nay 10/10 xã đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế… Bên cạnh đó, việc xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, thị trấn có chuyển biến tích cực. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể tiếp tục được đổi mới, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là tạo sự đồng thuận trong xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đại phương.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của toàn tỉnh, huyện Hàm Tân vẫn còn là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp nên kinh tế, xã hội các xã nghèo, vùng đồng bào DTTS phát triển còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (44,93%) so với mức bình quân chung (9,54%) toàn huyện. Mặt khác, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn huyện, kết quả giảm nghèo tại Hàm Tân tốt nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào DTTS. Kết cấu hạ tầng nông thôn tuy được đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tuy có đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu trong tình hình mới.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, nhất là tiếp tục tạo sự đồng thuận trong xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng xã nghèo. Thời gian tới, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo giúp cho người nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững được huyện đặt lên hàng đầu. Việc thực hiện lồng ghép các chương trình, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực do nhà nước đầu tư; đồng thời thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vào các xã nghèo, vùng nghèo cũng sẽ được huyện đẩy mạnh. Đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục đưa việc thực hiện Nghị quyết 04-QN/TU của Tỉnh ủy (khóa X) đi vào chiều sâu. Trên cơ sở đó, UBND huyện, Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội huyện, các cơ quan, ban, ngành và cấp ủy các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh đối với người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, nhất là chính sách giáo dục, y tế. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nghèo, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chú trọng chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo có hiệu quả./.
Phương DV