Đối với Hàm Tân là “huyện nông thôn”, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông chiếm 75,68%, lao động tham gia sản xuất nông lâm ngư nghiệp chiếm tỷ lệ cao 65,5% so với tổng số lao động. Hiện nay, toàn huyện có 41.627 lao động trong đó có 15.000 thanh niên chiếm khoảng 36%, trong khi các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện không nhiều thì vấn đề lao động, việc làm vẫn là khó khăn lớn nhất của thanh niên nông thôn Hàm Tân.
Là huyện còn khó khăn, địa bàn bị phân tán thành 3 cụm dân cư thì việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước một cách xuyên suốt thật không dễ dàng. Tuy vậy, “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” theo lời Bác dạy đồng thời với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 20-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 26.000 tỷ đồng, chỉ tiêu hằng năm đào tạo 01 triệu lao động nông thôn cùng với thực hiện phong trào thi đua chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; trong đó công tác đào tạo nghề cho lao động là một trong những tiêu chí quan trọng. Để đạt được tiêu chí đó cần có sự nỗ lực cố gắng của từng xã xây dựng nông thôn mới, của toàn đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Chính vì vậy, để thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề, thời gian qua cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trước hết là đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các trung tâm học tập cộng đồng của 10 xã, thị trấn, tổ chức đào tạo, tập huấn cho nhân dân. Các lớp chủ yếu là học tập chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng những mô hình mới về trồng trọt, chăn nuôi... vào thực tế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, đưa tiến bộ khoa học đến với đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, tuy Trung tâm dạy nghề huyện hiện nay còn hoạt động ở cơ sở tạm, đặc điểm dân cư lại phân tán nên việc mở lớp dạy nghề cho lao động gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ viên chức trong những năm qua đạt được nhiều kết quả khả quan; góp phần không nhỏ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện. Trong 03 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 (số liệu tính đến 11/7/2013) đã tổ chức 28 lớp/2.078 học viên; chủ yếu tập trung vào các nghề: trồng, chăm sóc, khai thác cây cao su, cây thanh long; trồng nấm; chăn nuôi thú y; xây dựng dân dụng...
So với thực tế số thanh niên trong độ tuổi từ 16-35 tuổi tham gia các lớp học chưa nhiều, chiếm 56,3% tổng số học viên, và chỉ chiếm 7,8% so với tổng số thanh niên trong huyện. Một bộ phận thanh niên nông thôn do trình độ học vấn thấp, việc tiếp thu kiến thức chậm nên việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ nhận thức của thanh niên trong huyện vẫn chưa thực sự hiệu quả; thậm chí một bộ phận thanh niên thiếu tự tin và không quan tâm đến nghề nghiệp; một bộ phận khác do điều kiện kinh tế khó khăn, lo từng bữa ăn hàng ngày của gia đình nên không có thời gian để tham gia các lớp đào tạo; mặt khác, cơ cấu đào tạo nghề theo trình độ và nghề đào tạo, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay chưa đáp ứng được cơ cấu lao động cần sử dụng của các ngành kinh tế và thị trường lao động nên vấn đề về trình độ lao động sản xuất ở thanh niên nông thôn vẫn còn nan giải.
Do đó, để thực hiện hiệu quả Đề án 1956 góp phần nâng cao trình độ dân trí của dân cư chính là góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, hiện đại. Chúng ta cần thường xuyên thực hiện một số biện pháp sau:
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dạy nghề, giúp đỡ, tạo điều kiện nhằm nâng cao nhận thức, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực nông nghiệp, nông thôn nhất là thanh niên; từ đó mới có thể tranh thủ tối đa sức mạnh của lao động thanh niên nông thôn trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
- Đánh giá đúng thực trạng nguồn lao động, nắm chắc nhu cầu học nghề của lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh...; từ đó xác định các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đầu tư thiết bị, chương trình phục vụ giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của việc thực hành cơ bản phù hợp với lao động nông thôn.
- Phát huy vai trò của Trung tâm dạy nghề, các trung tâm học tập cộng đồng trong việc bồi dưỡng, hướng dẫn nghề nghiệp cho lực lượng lao động tại chỗ; đa dạng hoá các loại hình đào tạo.
- Tổ chức hướng nghiệp cho học sinh đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học lồng ghép vừa học văn hoá vừa kết hợp với học nghề để giải quyết việc làm tại chỗ.
- Tăng cường các biện pháp thu hút đầu tư trên địa bàn, góp phần giải quyết nhu cầu lao động của nhân dân, thay đổi cơ cấu lao động trong huyện./-
(Ngọc Quý)