Ông Đồng Xuân Bích nhập ngũ năm 1973 tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Đất nước hòa bình, nhiều người lính trở lại quê nhà nhưng ông thì chưa thể. Năm 1979, máu dân lành đã đổ vì chiến tranh biên giới phía Bắc, ông được chuyển ra chiến đấu ở chiến trường này. Chiến tranh đã tôi luyện cho ông tính gan lỳ, gian khổ đã rèn cho ông thêm nghị lực. Sau khi phục viên vào năm 1985, tài sản ông Bích chẳng có gì ngoài gan lỳ, khổ luyện. Mấy sào ruộng ở quê nhà Sóc Sơn, Hà Nội không làm gia đình ông thoát ra khỏi cảnh thiếu trước hụt sau. Tuy sống trong cảnh túng thiếu, nhưng ông không chỉ nghĩ đến chuyện đủ ăn, đủ mặc như người khác, mà ông nghĩ xa hơn. Ước mơ về một trang trại rộng lớn, thỏa chí làm giàu luôn thôi thúc ông. Hàm Tân vào những năm trước 1990, dọc theo Quốc lộ 1A đất rộng người thưa, rừng chồi lúp xúp còn nhiều, thật là nơi lý tưởng để thực hiện ước mơ.
Sau vài chuyến nghiên cứu địa hình, ông quyết định đưa vợ con vào ở hẳn vùng đất Tân Minh, sau này chia tách xã Tân Minh thành 3 đơn vị hành chính mới, nhà ông ở xã Tân Đức. Một nhà thơ nào đã viết “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, nhưng cuộc đời cũng không hề đơn giản. Đối với ông Bích, để bám trụ và phát triển được quả là kỳ tích. Thoạt đầu, ông phát rẫy sâu trong núi Bể, nhưng đất đó thuộc đơn vị Z30D quản lý. Không nản chí, ông lại tìm đất mới thuộc thôn 5, Tân Đức, nơi gia đình ông đang sống bây giờ. Lần hồi gây dựng, đến nay ông đã có 14 ha đất, trong đó hơn một nửa ông mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng rừng sang mô hình trồng cây ăn trái, một mô hình vốn xa lạ không chỉ đối với bà con Tân Đức, mà còn xa lạ đối với cả ông, song lại cho hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích cao hơn nhiều các loại cây trồng khác. Vạn sự đều khởi đầu nan, vườn cây của ông cũng nhiều lần bị bệnh, mất mùa, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Không thể tiếp tục có sai lầm trên mặt trận kinh tế, ông mày mò học hỏi qua sách kỹ thuật, qua các lớp tập huấn, các phương tiện truyền thông, bỏ công lặn lội đến nhiều địa phương trong cả nước học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, ông đã thành công với giống xoài mới. Đây là giống xoài thịt ngọt, vỏ cứng có thể vận chuyển đi xa mà vẫn đảm bảo chất lượng. Từ thành công của vườn cây ăn trái, cùng với thu nhập trồng rừng, mỗi năm ông có trong tay hơn nửa tỷ đồng, con số ít nông hộ dám mơ, ngay cả người rộng nghĩ như ông cũng chưa nghĩ tới.
Chỉ nói chuyện làm giàu thôi, ông Bích đã là tấm gương sáng, nhưng nhắc đến người cựu chiến binh này, người dân còn nể phục bởi nhiều việc khác. Trong phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng Nông Thôn mới”, gia đình ông là một điển hình khi tình nguyện hiến hơn 600m2 đất, góp 30 triệu đồng biến con đường xe bò, hố sâu lầy lội thành con đường rộng rãi, bằng phẳng dài hơn 01km như hiện nay. Ông đang có kế hoạch cùng với vài hộ dân ở trong xóm để bê tông hóa tuyến đường này. Ông Bích cho biết, kinh phí khoảng 120 triệu đồng, ông sẵn sàng góp một phần đáng kể để có con đường đẹp trước tết.
Nếu ai đó gặp chuyện chẳng lành thì né tránh, riêng ông thấy chuyện bất bình thì xông vào. Chuyện ông tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn nhiều vô cùng. Mới đầu năm nay, ông quan sát phát hiện vụ đánh bạc, phối hợp công an xã bắt các con bạc đang sát phạt cùng nhiều tiền mặt, tang vật có giá trị. Rồi ông cùng dân phòng tuần tra bắt được nhiều vụ ăn trộm chó, trộm gà. Gần đây nhất dân phòng thôn ông còn thu giữ một chiếc xe máy, do tên trộm gặp dân phòng sợ quá bỏ của chạy lấy người. Có lẽ nhờ cái uy của ông, mà có lần do xích mích trong chuyện làm ăn, có người thuê giang hồ miệt vườn quậy phá, ông điểm mặt từng tên, ôn tồn giải thích phải trái, sau cùng bọn chúng đã tháo lui.
Rời quân ngũ khá lâu nhưng chất lính trong ông vẫn còn. Hết lo việc nhà lại nghĩ việc làng, việc xã, đến việc chăm sóc cho Hội viên Cựu Chiến binh mà ông là Chi hội trưởng. Chi hội Cựu Chiến binh thôn 05 năm nào cũng đạt trong sạch vững mạnh bởi những hoạt động mang ý nghĩa thực tiễn cao. Lúc thì xây nhà “Mái ấm đồng đội”, lúc thì tạo quỹ cho vay lãi suất thấp để anh em có vốn làm ăn... giúp Hội viên đến nay không có hộ nghèo và hộ cận nghèo. Cảm động nhất, là ông cùng với nhiều Cựu Chiến binh khác đào ròng rã 03 ngày trời, không sót một mét vuông đất nào trên một quả đồi để tìm hài cốt đồng đội. Song chiến tranh đã lùi xa, dấu tích mong manh trong lòng đất không còn nhưng trong lòng ông thì nặng mãi. Cái chất lính trong người ông Bích là thế, là vơ việc vào mình. Làng xóm đâu phải lúc nào cũng hòa thuận, thế là có mặt ông Bích để hòa giải. Trong hội họp, đâu phải lúc nào cũng có ý kiến thuận với chủ trương của Đảng và nhà nước, thế là có mặt ông Bích để giải thích, tạo sự đồng thuận. Rồi chuyện bạo lực gia đình, chuyện khó nói, chuyện riêng tư… nhà ông Bích cũng thành “Địa chỉ tin cậy” để cộng đồng dân cư gửi gắm.
Người lính trong chiến tranh đã chịu nhiều hy sinh, về đời thường cũng mấy khi suy tính, đó cũng là bản chất của con người ông Bích. Can trường trong chiến đấu, vượt qua thử thách của nền kinh tế thị trường, góp phần giữ bình yên cho xóm làng là những việc làm đáng quý. Hội Cựu chiến binh xã Tân Đức là tập thể điển hình trong việc Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh của Tỉnh và Trung ương. Chi hội của ông đóng góp công sức không nhỏ vào thành tích chung ấy. Vừa qua, ông Bích là một trong bốn người của tỉnh Bình Thuận được chọn dự Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu toàn quốc lần thứ II tại Hà Hội, phần thưởng ấy thật xứng đáng. Một phần thưởng khác với ông Bích còn quan trọng hơn nhiều. Đó là mỗi ngày, bên chiếc bàn dưới tán cây xoài nhà ông, khi ly rượu, lúc chén trà, những người một thời cầm súng, những người bà con trong xóm lại quây quần, nói chuyện nước, bàn việc nhà, gửi trọn nỗi niềm vào người cựu chiến binh.
KIỀU NGA