Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sửa chữa sai lầm cố nhiên cần dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất loạt không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”.
Do đó, kỷ luật của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng, bảo đảm cho sự tồn tại, hoạt động và phát triển của Đảng. Tăng cường kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mọi tổ chức đảng và đảng viên để nâng cao tính đảng, tính giai cấp, giữ vững kỷ cương của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo và xây dựng Đảng. Việc thi hành kỷ luật phải góp phần nâng cao giác ngộ chính trị, giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm để các tổ chức đảng và đảng viên nghiêm túc và tự giác chấp hành kỷ luật Đảng. Nhưng nếu tổ chức đảng và đảng viên vi phạm tới mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật để giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, giáo dục tổ chức Đảng và đảng viên.
Cấp uỷ các cấp phải quan tâm và thường xuyên tổ chức nghiên cứu, quán triệt các quy định của Đảng cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý để nắm vững, thực hiện đúng và chấp hành nghiêp chỉnh khi được kiểm tra, giám sát, bị thi hành kỷ luật. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, do nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng có yêu cầu, nội dung cụ thể khác nhau; do tư tưởng và hành động, ưu điểm và khuyết điểm của các tổ chức đảng và đảng viên có những diễn biến khác nhau, nên yêu cầu, nội dung về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, về trách nhiệm, về tổ chức, kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên cũng có những điểm khác nhau. Vì vậy, phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng từng thời kỳ mà xác định phương hướng thi hành kỷ luật cho sát, đúng.
Có thể thấy, trong điều kiện thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập với thế giới, quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học - công nghệ,… nên mỗi cán bộ, đảng viên hàng ngày, hàng giờ chịu tác động của nhiều nhân tố rất phức tạp. Trước yêu cầu thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng xác định: “Thi hành kỷ luật nghiêm khắc mọi vi phạm về nguyên tắc, nhất là đối với những vi phạm về vấn đề quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: "Khai trừ những đảng viên thoái hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cố tình vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước". Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: "Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng, tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng". "Xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức, lối sống".
Phương hướng thi hành kỷ luật trong Đảng giai đoạn hiện nay gắn chặt với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đã được xác định rõ trong Điểm 3, Mục I Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng (Nghị quyết số 14-QĐ/TW, ngày 30/7/2007) đã được nêu tại Điểm 3, Mục II của bài "Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng". Đảng viên ở bất kỳ cương vị nào nếu vi phạm một trong những nội dung đó đều phải xử lý nghiêm minh. Đối với những vi phạm khác đến mức phải xử lý kỷ luật cũng phải xem xét, thi hành kỷ luật kịp thời để răn đe, hạn chế và phòng ngừa vi phạm. Đồng thời, phương châm thi hành kỷ luật của Đảng thể hiện rõ quan điểm, chính sách xử lý của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Tại Điều 35, Điều lệ Đảng quy định: “Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời”. Do đó, các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp khi xem xét, xử lý kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên phải:
- Thứ nhất, phải đảm bảo tính công minh, chính xác: Khi thi hành kỷ luật phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, quyết định hình thức kỷ luật cho phù hợp theo thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trước các quyết định đó; tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh, không có ngoại lệ.
Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan pháp luật giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải bồi hoàn. Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng mới bị phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các tổ chức đó xem xét, xử lý. Việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm được tiến hành ở các tổ chức đảng nơi đảng viên đó hiện đang sinh hoạt.
Khi xem xét, xử lý, phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng để bảo đảm kết luận khách quan, đầy đủ, chính xác. Cần làm rõ nguyên nhân, phân biệt sai lầm, khuyết điểm của đảng viên do trình độ, năng lực hoặc động cơ vì lợi ích chung hay vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý làm trái; vi phạm nhất thời hay có hệ thống; đã qua giáo dục, ngăn chặn vẫn làm trái; không tự giác nhận lỗi, không bồi hoàn vật chất hoặc có hành vi đối phó với việc kiểm tra; phân biệt đảng viên khởi xướng, tổ chức, quyết định với đảng viên bị lôi kéo, đồng tình làm sai. Đảng viên là người dân tộc thiểu số, công tác, sinh hoạt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa (theo quy định của Nhà nước), đảng viên theo tôn giáo vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì căn cứ tình hình thực tế vận dụng xử lý cho phù hợp.
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại. Cấp uỷ quản lý đảng viên sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng phải chỉ đạo các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính hoặc đoàn thể được kịp thời. Trường hợp không thuộc thẩm quyền phải kiến nghị với tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý. Khi các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đình chỉ công tác hoặc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên, phải chủ động thông báo cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó để xem xét, xử lý kỷ luật đảng. Sau khi giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng, nếu có thay đổi hình thức kỷ luật, tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét lại hình thức kỷ luật về hành chính, về đoàn thể. Đảng viên bị cách chức vụ về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày đảng viên bị cách chức, phải xem xét, xử lý kỷ luật về chính quyền, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
Đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu nếu có vi phạm khi đang công tác, nay mới phát hiện thì thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng được thực hiện như đang đương chức; nếu có vi phạm kỷ luật khi đã nghỉ hưu thì do tổ chức đảng quản lý đảng viên đó xử lý kỷ luật theo thẩm quyền. Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên đã qua đời, tổ chức đảng xem xét, kết luận, không xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã qua đời thì tổ chức đảng vẫn xem xét, kết luận, xử lý.
Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định. Việc xử lý kỷ luật phải đúng người vi phạm. Phải khắc phục tình trạng ô dù, bao che lẫn nhau làm cho việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước không nghiêm; khắc phục tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, để các hiện tượng tiêu cực phát triển, gây thắc mắc, bất bình trong Đảng và trong nhân dân.
- Thứ hai, phải mang tính kịp thời: Khi xem xét, thi hành kỷ luật phải khẩn trương, đúng lúc, không để chậm trễ, kéo dài, gây thêm khó khăn cho việc thẩm tra, xác minh, kết luận, xử lý, làm giảm tác dụng giáo dục và không đáp ứng yêu cầu phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Sau khi tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định kỷ luật thì phải công bố ngay quyết định ấy cho tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, không được trì hoãn với bất cứ lý do gì.
Như vậy, để chủ động phòng ngừa đảng viên vi phạm và việc thi hành kỷ luật được kịp thời, các tổ chức đảng, đặc biệt là chi bộ phải thường xuyên nắm chắc tình hình đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật Nhà nước; khi phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì phải xem xét, kết luận và xử lý kỷ luật kịp thời nếu có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật./-
Trần Vinh