Việt Nam sẽ trở thành một nước tiêu thụ lớn về nhiên liệu trong tương lai. Nguồn dầu mỏ của nước ta không nhiều. Nước ta cũng có nhiều điều kiện phù hợp, có khả năng trồng các cây sản xuất dầu diesel sinh học. Dầu diesel sinh học có thể được sử dụng riêng hoặc pha chế theo tỉ lệ 20% với xăng dầu để chạy động cơ. Đây là nguồn năng lượng mới an toàn, chi phí thấp và là nguồn năng lượng tái sinh được, hứa hẹn sẽ là nguồn năng lượng thay thế cho thủy điện, dầu diesel, dầu lửa, khí hóa lỏng.
Có nhiều đối tượng cây trồng khác nhau được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học, thế nhưng cây Jatropha (Jatropha curcas L.) là đối tượng cây trồng triển vọng nhất. Cây Jatropha là cây đa mục đích, tất cả các phần của cây đều có giá trị sử dụng. Cây có những ưu điểm vượt trội hơn hẳn các loài cây cho dầu khác về điều kiện gây trồng, năng suất, hàm lượng dầu, về lợi ích môi trường, kinh tế, gắn chặt với đời sống và thu nhập cộng đồng nông thôn. Jatropha du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ XIV, tuy nhiên người dân chỉ dùng để trồng làm hàng rào, nhưng gần đây mới được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang chạy đua phát triển cây Jatropha, nhất là các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia, Indonexia, Philippin, Mianma và nhiều nước Châu Phi, nhằm phục vụ nhu cầu năng lượng tại chỗ và xuất khẩu.
Cây Jatropha sinh trưởng, phát triển tốt ở điều kiện có lượng mưa trung bình 1.200-3.500 mm/năm; nhiệt độ trung bình/năm từ 25-270C. Jatropha có phổ thích nghi rộng, cộng sinh với nấm rễ mycorrhiza nên có khả năng sinh trưởng ở vùng đất sỏi sạn, đất nghèo kiệt, đất cát ven biển, đất dốc, hoang hóa, chịu hạn, không cháy, không bị gia súc ăn, rất ít sâu bệnh. Cây có tác dụng trong việc cải tạo đất, cải tạo môi trường; là cây lưu niên, đời sống kinh tế có thể kéo dài từ 40 - 50 năm. Ở những vùng miền núi hẻo lánh đất không thể trồng được những loại cây khác thì cây Jatropha là lựa chọn phù hợp. Cây có tốc độ sinh trưởng và phát triển rất nhanh, sau khi trồng 6 tháng đến 1 năm đã cho quả, đến 5 năm cho năng suất ổn định. Cây có thể cho quả quanh năm (2-4 vụ quả) nếu được chăm sóc đầy đủ. Ở miền Nam Việt Nam cây có quả vào tháng 7, 8, 9, ít thấy hiện tượng ra quả cách năm.
Hàm Tân thực trạng kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nhưng diện tích đất đồi dốc và đất xám bạc màu chiếm tỷ lệ lớn, cộng với các yếu tố khí hậu thời tiết không thuận lợi, thiếu nguồn nước tưới làm hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp. Thực tế cho thấy sản phẩm trồng trọt ở huyện Hàm Tân đầu tư cao song năng suất thấp hơn các vùng đất cùng loại ở nơi khác. Do vậy, việc định hướng phát triển trồng Jatropha trên vùng đất Hàm Tân cần được quan tâm, nhất là nghiên cứu trồng các giống Jatropha ngoại nhập. Thực tế cho thấy sau 01 năm trồng thử nghiệm 11 giống Jatropha (10 giống ngoại nhập và 01 giống của Việt Nam) trên vùng đất xám, đồi núi của huyện Hàm Tân, các giống ngoại nhập có năng xuất và hàm lượng dầu cao hơn nhiều so với giống Jatropha có nguồn gốc ở Việt Nam, trong đó giống có nguồn gốc từ Ấn Độ đạt cao nhất (122,62 kg hạt khô/ha), giống có nguồn gốc từ Úc có hàm lượng dầu cao nhất (39,53%). Một hecta cây Jatropha có thể sản xuất được 4,5 tấn dầu/năm. Hiện nay giá dầu Jatropha được bán trên thị trường thế giới với giá khoảng 700 USD/tấn thì giá trị thu được sẽ là 63 triệu/ha/năm. Trong khi đó vốn đầu tư cho 01 ha Jatropha chỉ khoảng 4 triệu/ha. Tuy nhiên hàm lượng dầu của Jatropha tăng theo tuổi cây cho nên giá trị thu được của cây sẽ còn cao hơn nhiều, cây một năm tuổi thu 250 kg dầu/ha, sau hơn 6 năm, năng suất dầu thu được là 10.000 kg/ha.
Cây Jatropha sau khi trồng được 01 năm ở vùng đất đồi núi Hàm Tân
Như vậy, lợi tích kinh tế - xã hội của cây Jatropha là rất khả quan và nước ta nói chung, Hàm Tân nói riêng có những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội phù hợp để phát triển trồng và chế biến Jatropha./.
Lê Thị Kim Nhung