Ngay sau khi thành lập, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Tân đã đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát; quan điểm chỉ đạo của cấp uỷ là công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, đồng bộ có nề nếp, không thụ động, chờ vụ việc xảy ra rồi mới xem xét giải quyết, phải thường xuyên nắm vững tình hình hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, luôn coi trọng sự chủ động kiểm tra của các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Đặc biệt, cấp uỷ nhận thức rõ kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của cấp uỷ, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và cơ sở. Cũng chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và cơ sở đã có những định hướng cụ thể, tập trung, sát thực, có hiệu quả về những vấn đề nhạy cảm, dễ nảy sinh khuyết điểm, tiêu cực … Một trong những kết quả quan trọng mà công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ đã dạt được, đó là: cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm, giảm thiểu việc xử lý kỷ luật; đồng thời nâng cao ý thức tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật Đảng trong toàn Đảng bộ huyện.
Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên được các cấp uỷ đảng chỉ đạo thực hiện đúng phương châm, phương hướng, nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền thi hành kỷ luật trong Đảng, đảm bảo tính công minh, chính xác, kịp thời.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực còn bộc lộ những hạn chế, đó là: Một số cấp uỷ cơ sở chưa phát huy hết vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát; coi nhẹ hoặc coi công tác kiểm tra, giám sát là việc của Ủy ban Kiểm tra, còn có hiện tượng khoán trắng cho Ủy ban Kiểm tra nên ít quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát không được thực hiện thường xuyên, chính vì vậy những khuyết điểm, tồn tại không được uốn nắn, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời; Có những nơi, khi có vụ việc vi phạm xảy ra thì lúng túng, thiếu chủ động cả về nội dung lẫn phương pháp tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, một số chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản khác còn chậm triển khai hoặc triển khai qua loa, không đầy đủ,…Đây có thể là một trong những nguyên nhân làm cho người cán bộ, đảng viên thiếu hiếu biết, dẫn đến vi phạm, khuyết điểm.
Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, các tổ chức đảng cần làm tốt một số việc sau:
- Nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên, đặc biệt là những đơn vị có vấn đề nội bộ, không hoàn thành nhiệm vụ, những đồng chí là nhân sự cấp uỷ các cấp. Giải quyết dứt điểm đơn thư tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng (nếu có) trước khi diễn ra Đại hội đảng, bầu cử HĐND các cấp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm.
- Tăng cường tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát.
- Thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ làm công tác kiểm tra. Chú ý đến chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ về vật chất, tinh thần để thu hút được cán bộ có trình độ, năng lực làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
- Thường xuyên kiện toàn hệ thống Ủy ban Kiểm tra, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các tổ chức đảng và cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời, cần quan tâm cải thiện điều kiện và phương tiện làm việc cho Ủy ban Kiểm tra, nhằm làm cho công tác kiểm tra được thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực
- Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nắm vững phạm vi, trách nhiệm và những vấn đề cơ bản trong lãnh đạo và tiến hành công tác kiểm tra của Đảng; công tác kiểm tra được tiến hành theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và không chồng chéo nội dung, đối tượng kiểm tra; kiểm tra, giám sát phải bảo đảm tính chủ động, thường xuyên, có chương trình, kế hoạch và đúng thẩm quyền, khắc phục tình trạng lúc làm, lúc bỏ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra.
Mặt khác, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt và thực hiện tốt chức năng giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Nhiệm vụ giám sát có tác dụng rất quan trọng trong việc phát hiện những khuyết điểm, hạn chế và vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm, hoặc làm cơ sở cho công tác kiểm tra, đó là: xác định được cơ bản mức độ vi phạm, từ đó, xem xét những vi phạm cần phải tiến hành kiểm tra, kết luận. Chính vì vậy các cấp uỷ đảng phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, đồng bộ, đúng thẩm quyền; tiến hành thực hiện đồng thời cả nhiệm vụ giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng mới thực sự là chức năng lãnh đạo, một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao./-
Trần Vinh