Trong không khí cùng với cả nước hướng về kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012), các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân huyện Hàm Tân đã tổ chức nhiều hoạt động để tưởng nhớ và ghi nhận những công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh đã hy sinh hạnh phúc và chính sinh mệnh của mình để góp phần xương máu vào công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Sáng ngày 25/7/2012, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Hàm Tân tổ chức Lễ viếng đền, họp mặt kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ và nhiều hoạt động bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sự tri ân sâu sắc đối với những hy sinh, mất mát lớn lao của những người chồng, người cha, người vợ, người mẹ, người con thân yêu trong các gia đình liệt sĩ, gia đình Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang và của chính bản thân các thương bệnh binh, những người có công cách mạng của quê hương Hàm Tân, cũng như trên khắp mọi miền đất nước đã chọn mảnh đất Hàm Tân làm nơi ổn định cuộc sống gia đình sau chiến tranh giải phóng dân tộc đầy cam go và ác liệt.
65 năm qua, kể từ ngày 27/7/1947 - Ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm ngày thương binh toàn quốc, chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã không ngừng phát triển, đổi mới và hoàn thiện, trở thành một hệ thống chính sách ưu đãi lớn của đảng, nhà nước ta.
Đối với huyện Hàm Tân, sau gần 7 năm chia tách, trong điều kiện còn hết sức khó khăn nhưng toàn đảng, toàn quân, toàn dân huyện Hàm Tân đã quan tâm thực hiện đưa chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, trở thành phong trào cách mạng sâu rộng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương. Đi đôi với chính sách ưu đãi của nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng được xã hội hoá sâu rộng. Mỗi năm cứ đến ngày 27/7, hoà cùng không khí của cả nước, Hàm Tân lại tổ chức nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa, trách nhiệm, thể hiện truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hàm Tân đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Với sự cộng đồng, chung tay của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở huyện Hàm Tân đã phát triển mạnh mẽ, trở thành nét đẹp trong đời sống người dân Hàm Tân với nhiều hình thức phong phú như: thực hiện đúng quy định về việc chi trả trợ cấp hàng tháng và một lần; tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; thăm viếng, tặng quà trong các dịp lễ, Tết; nhận đỡ đầu chăm sóc, phụng dưỡng đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng và giữ gìn sự tôn nghiêm của Bia Địa chỉ đỏ - Bia ghi danh, Đền Tưởng niệm liệt sĩ... Sau gần 7 năm, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện Hàm Tân đã vận động được 1,6 tỷ đồng, xây mới 49 căn, sửa chữa 81 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 2,855 tỷ đồng.
Về phần mình, để hưởng ứng tích cực phong trào do huyện phát động, các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, “Mãi mãi xứng đáng là công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng kiểu mẫu”. Rất nhiều những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã vượt qua khó khăn, trở ngại, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, đã tự vươn lên làm giàu chính đáng từ chính khả năng của bản thân và gia đình, tiếp tục đóng góp sức mình vì cộng đồng, vì sự phát triển tốt đẹp và văn minh của quê hương, đất nước. Từ đó ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình vượt khó vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, trở thành nhân tố điển hình tiên tiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc thời bình. Nhiều người con của thương binh liệt sĩ đã vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, kế tục xứng đáng truyền thống, sự nghiệp cách mạng của gia đình, quê hương, đất nước. Và giờ đây ở huyện Hàm Tân đã có 112 gia đình cách mạng kiểu mẫu, 130 công dân kiểu mẫu, 10 cá nhân và 5 tập thể đã có những đóng góp trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo.
Tại buổi họp mặt kỷ niệm 65 năm ngày TBLS sáng ngày 25/7/2012, có sự tham gia của đại diện các thương bệnh binh của huyện, đồng chí Bí thư Huyện ủy Hàm Tân đã kêu gọi các thương bệnh binh, những gia đình chính sách, người có công tong toàn huyện hãy tiếp tục phát huy ý chí kiên cường đóng góp nhiều kinh nghiệm, năng lực và trí tuệ để tham gia vào cuộc chiến đấu mới chống nghèo nàn, lạc hậu, cùng chung tay xây dựng và phát triển quê hương Hàm Tân giàu mạnh; mãi mãi xứng đáng là những “Người công dân kiểu mẫu”, những “Gia đình cách mạng gương mẫu” để thế hệ con cháu học tập và noi theo.
Đối với các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở; đồng chí Bí thư Huyên ủy Hàm Tân yêu cầu cần phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền cũng như thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với các thương bệnh binh, người có công. Đồng chí cũng lưu ý thêm là: việc đảm bảo các khoản phụ cấp, trợ cấp luôn phải được trao “tận tay, đúng kỳ, đúng số”; phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục ý thức và lòng biết ơn của thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần cách mạng kiên cường của các bậc cha anh trong cuộc đấu tranh hào hùng để giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; cổ vũ, động viên toàn dân tích cực tham gia chăm sóc đối tượng chính sách, người có công, góp phần đẩy mạnh việc xoá đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đối tượng chính sách được chăm sóc tốt hơn về sức khoẻ và có cuộc sống tốt hơn về tinh thần; thường xuyên biểu dương, khen thưởng nhân rộng điển hình tiên tiến làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và các đối tượng chính sách có nhiều cố gắng trong sản xuất, học tập và công tác.
Có thể nói phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở huyện Hàm Tân trong những năm qua đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Sự chia sẻ, bù đắp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Tân có thể chưa trọn vẹn và còn nhiều khiếm khuyết so với những hy sinh, mất mát mà bản thân và gia đình các đối tượng chính sách đã phải gánh chịu; song với bản chất cách mạng vốn có trong mỗi người và mỗi gia đình, các gia đình liệt sĩ và thương bệnh binh dường như cũng đã quên đi những nhọc nhằn, mất mát trong cuộc chiến ác liệt ở chiến trường năm xưa để cảm thông, chia sẻ, cùng với Đảng bộ và chính quyền huyện Hàm Tân đương đầu với những khó khăn, phức tạp mới trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kim Nhung