Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều, nhiều lắm các đề tài nghiên cứu khoa học, những bài viết kỳ công trên các trang tạp chí, sách, báo … Nhân dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Người, ở bài viết này, xin được thể hiện sự tôn kính, yêu thương của mình tổng hợp đôi điều về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Hầu mong bạn đọc chiêm nghiệm, càng kính trọng và yêu thương Bác hơn. Quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động.
Từ những mốc thời gian…
Ở tuổi 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy đã sớm hiểu biết và đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân Pháp xâm lược. Chứng kiến những con đường cứu nước các bậc sĩ phu đã đi đều kết thúc thất bại. Phải tìm con đường khác, phải đi ra nước ngoài nhưng theo một hướng khác. Đó là kết luận rất quan trọng của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Tròn 19 tuổi, Nguyễn Tất Thành từ giã Huế theo cha vào Bình Khê nhậm chức Tri huyện, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Người được cha gửi đến Quy Nhơn học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ. Ông Phạm Ngọc Thọ rất kính trọng viên quan tri huyện mới và rất mến Tất Thành.
Tuổi 20, Nguyễn Tất Thành tạm biệt Quy Nhơn, vào dạy học tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Sau gần nửa năm dạy học, Nguyễn Tất Thành rời trường vào Sài Gòn.
Ở tuổi 21, Nguyễn Tất Thành xin làm việc trên tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin, một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời Cảng Sài Gòn đi Mác-Xây, Pháp. Ngày 03/6/1911 anh nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới: Văn Ba.
Tuổi 30, người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Tuổi 40, Người chủ tọa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó Người về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.
Tháng 8/1945, kịp thời đón lấy cơ hội thuận lợi, Người đã lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Lúc này Người đang 56 tuổi.
Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với câu mở đầu bất hủ “Mọi dân tộc đều có quyền bình đẳng...”, và lời nói gần gũi thân thương “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” đã lắng lại trong trái tim của người dân Việt Nam qua biết bao thế hệ.
Lịch sử không phải sự ngẫu nhiên, nhưng kỳ lạ thay, ngày 02/9/1945, đó là ngày sang trang lịch sử của dân tộc, ngày mà: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”, thì vào ngày 02/9 của 24 năm sau, Người đi vào cõi trường sinh. Hàng triệu triệu nhân dân yêu quý Người biến đau thương thành hành động, hàng triệu triệu trái tim tự do và khối óc được giải phóng, hàng triệu triệu người trưởng thành, đứng vững trên hai chân, ngẩng cao đầu, tiến lên tiếp tục sự nghiệp của Người. Điều đặc biệt cảm động là khi Người từ trần, trên người vẫn mặc bộ quần áo kaki bạc màu, đi một đôi giày vải. Trên ngực Người, không một tấm huân chương!
… đến giá trị vĩnh hằng.
Từ một nước bị ngoại bang xâm lược, từ một dân tộc mất quyền sống, quyền làm người, lịch sử dân tộc Việt Nam đã sang trang, đã cải tổ hoàn sinh. Dân tộc Việt Nam càng ân đức công lao của một Con người vĩ đại cả một đời vì nước, vì dân - Hồ Chí Minh, Con người thật đặc biệt luôn mang trong mình dòng máu của dân tộc. Có thể nói, từ lúc thiếu thời cho đến khi về cõi vĩnh hằng, Người luôn coi Tổ quốc, đồng bào là trên hết, là lẽ sống của đời mình, mục đích của Người là “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn”.
Có một nhà báo nước ngoài đã nhận xét: “Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng trong nhân dân thì không có ai ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Một con người mà toàn bộ tâm huyết và cuộc đời gắn bó với vận mệnh dân tộc, với thân phận mỗi con người, bởi thế con người ấy: Từ tên gọi cũng mang hình ảnh dân tộc: Nguyễn Ái Quốc, “Ái Quốc là yêu nước. Mà nước là gì? Nước là dân. Vậy Ái Quốc có nghĩa là dân”.
Có thể nói, trong cuộc kháng chiến kiên cường giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, Bác Hồ là vị chỉ huy cao nhất và gần gũi nhất đem lại tin tưởng cho chiến sĩ và đồng bào. Đối với mỗi gia đình Việt Nam, Bác như là một người trong nhà, thân thiết như cha với con. Các thế hệ Việt Nam nối tiếp nhau sẽ mãi mãi truyền cho lớp con cháu mình muôn vàn tình thương yêu với Bác, hiện thân của độc lập, tự do, hạnh phúc, những nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam ta. Bác là người sáng lập Đảng ta để cùng với Đảng động viên nhân dân ta đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta phát huy sức mạnh của mình, tự mình làm nên mọi thắng lợi. Tất cả những gì tốt đẹp của dân tộc trong mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đều sống dậy tràn đầy sức mạnh hơn bao giờ hết trong thời đại Hồ Chí Minh. Mọi thắng lợi của dân tộc trong thế kỷ qua cũng như mỗi đổi thay trong từng người Việt Nam từ độc lập tự do và vị trí quốc tế ngày nay của Tổ quốc đến bát cơm, manh áo, quyền sống, quyền làm chủ của mỗi người đều gắn liền với Bác Hồ và cũng gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Bác. Và cuộc đời, sự nghiệp, tên tuổi của Người gắn liền với lịch sử, làm rạng rỡ thêm trang sử vàng son của dân tộc.
Nghị quyết của tổ chức Unesco đã nói về Người như sau: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội … Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là những biểu hiện của khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy lẫn nhau”.
Tấm gương mãi đến mai sau.
Suốt đời Người đấu tranh chống lại sự xâm lược của ngoại bang, giải phóng dân tộc. Vì mục tiêu này, Người đi khắp bốn phương để tìm chân lý, tìm con đường cứu nước, cứu dân. Vì mục tiêu này, Người không quản ngại bất kỳ khó khăn trở ngại nào, dũng cảm tiến lên, biểu hiện khí tiết anh hùng cách mạng cao độ. Đây chính là bài học về tinh thần phấn đấu không ngừng của Người cho sự nghiệp chính nghĩa, vì nước, vì dân.
Người luôn luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hiến dâng cả đời mình cho nhân dân, không hề quan tâm tới bản thân. Người cư xử nhiệt tình, khiêm tốn, gần gũi, bình dị, giữ mối liên hệ thân mật, không xa cách với quần chúng. Bài học về phẩm chất cao quý yêu mến nhân dân của Người. Quyết tâm và dũng khí đấu tranh của Người xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhân dân, sức mạnh và uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân.
Suốt đời Người luôn luôn gìn giữ đạo đức cao đẹp cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người luôn xuất phát từ tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, bằng kiến thức uyên bác, kinh nghiệm và tài nghệ của mình, bằng sự tận tâm và liêm khiết để đạt sự kính trọng và yêu mến của nhân dân. Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ luôn học tập tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Người, bởi chính Người là hiện thân của những phẩm chất, đạo đức cao đẹp luôn sáng mãi.
Bác Hồ, một con người, một lẽ sống, một tấm gương của cả một dân tộc là như thế.
Bác Hồ, một sự nghiệp vĩ đại, một đạo đức cao cả, một tác phong khiêm tốn, giản dị tiêu biểu cho cả một dân tộc là như thế.
Bác Hồ, một con người trọn vẹn, cả cuộc đời trọn vẹn, trong sáng tuyệt vời vì đất nước, vì dân tộc là như thế. (Quốc Thái - Tổng hợp)