Cơn bão số 1, có tên quốc tế là PAKHAR, với sức gió mạnh giật cấp 8, cấp 9 và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Bình Thuận, Bà rịa Vũng tàu, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Mặc dù không nằm trong tâm bão thế nhưng bão số 01 gây thiệt hại cho tỉnh Bình Thuận, nhất là huyện Hàm Tân hết sức nặng nề. Theo số liệu thống kê sơ bộ của UBND huyện Hàm Tân, tính đến ngày 03/4/2012 bão số 1 đã làm 06 người bị thương (trong đó 01 người bị thương nặng, 01 người bị gẫy chân, 04 người bị thương nhẹ), làm 14 căn nhà sập hoàn toàn, 580 căn nhà bị tốc mái, chìm 02 thuyền, vỡ 05 hồ nuôi tôm với tổng diện tích 02 ha, 20 ha cao su, 10 ha keo tràm bị ngã đỗ và còn rất nhiều diện tích cây hoa màu, các công trình kiến trúc xây dựng bị ảnh hưởng..., ước tính thiệt hại khoảng 06 tỷ đồng.
Bão số 1 không phải là cơn bão mạnh, đường đi không phức tạp, và đã được các phương tiện thông tin đại chúng cũng như chính quyền địa phương liên tục thông báo đến nhân dân, tuy vậy thiệt hại theo thống kê ban đầu là không nhỏ, vậy thì, vì sao công tác dự báo, tuyên truyền được các cấp các ngành và chính quyền địa phương đã làm tốt mà thiệt hại còn lớn đến như vậy?
Để lý giải cho điều này, thì khi được tham gia cùng đoàn khảo sát thiệt hại sau bão của UBND huyện, tôi được trực tiếp tiếp xúc, quan sát và “mục sở thị” về như công tác phòng, chống thiên tai bão lụt thì quả thật đáng lo ngại và thiệt hại trên là tất yếu.
Trực tiếp khảo sát thiệt hại tại Thôn Hà Lãng, xã Thắng Hải cảm nhận ban đầu của tôi là sự lơ là, thiếu cảnh giác của nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai. Ở đây hầu như nhân dân không hề chằng, chống nhà cửa khi bão sắp đổ bộ, các cây xanh lớn không được chặt tỉa cành, không dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết... Vì vậy, sau bão tình trạng nhà sập, tốc mái, cây xanh ngã rạp, hàng quán, lều tạm hầu hết ngã đổ là điều không thể tránh khỏi.
Đến nay, công tác khắc phục thiệt hại sau bão đang được chính quyền và nhân dân địa phương gấp rút tiến hành, ổn định đời sống nhân dân. Năm 2012 theo dự báo thì tình hình thiên tai, bão lũ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường. Thiết nghĩ, chính quyền, các cấp các ngành, Mặt trận các đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, dự báo, tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao ý thức phòng tránh, công tác tập huấn phòng chống lụt bão sớm tích cực triển khai và cần hơn nữa là sự chung tay vào cuộc của nhân dân nêu cao ý thức phòng, chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. (Xuân Thông)