Hiện thực tư tưởng của Bác về “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Nói về công việc tái thiết đất nước sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác nhiều lần nhắc đến chữ “to lớn”, “phức tạp”. Bác gọi nó là “cuộc chiến đấu khổng lồ” và “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”!
Điểm lại lịch sử trước đổi mới, quả thật tái thiết đất nướclà vấn đề rất lớn lao và phức tạp, được Bác nhìn thấy từ trước. Thực tiễn nước ta sau 1975, bước vào xây dựng CNXH là chưa có tiền lệ, một thời gian dài rập khuôn theo mô hình Xô-viết. Thêm vào đó ta đã duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, cùng với những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế, các chính sách, chỉ tiêu đặt ra chưa phù hợp. Đặc biệt là tư duy chậm đổi mới đã kéo theo kinh tế phát triển chậm, không giải phóng được sức lao động, sản xuất trì trệ, cung không đủ cầu, đến mức đã có lúc chúng ta phải nhận viện trợ lương thực trong khi nông dân thất nghiệp, ruộng đất bỏ hoang … Tất cả những điều đó dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế lên đến trầm trọng vào giữa những năm 80 của thế kỷ XX, giá cả không kiềm chế được trong khi hàng hóa thiếu thốn, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, lòng tin của dân vào Đảng và Nhà nước giảm sút.
Tiền đề để phát triển.
Với thái độ “nhìn thẳng vào sự thật”, Đảng ta đã tự kiểm điểm “đánh giá đúng sự thật”. Kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân trong bối cảnh sự nghiệp cách mạng đang gặp nhiều khó khăn thử thách. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986), Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới. Bằng những đường lối đúng đắn, Đảng đã dần đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, kinh tế xã hội phát triển, củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế.
Ở đây, điều cần khẳng định là xây dựng đất nước ngoài những yếu tố cần thiết khác thì nhất thiết phải từ đường lối đúng đắn. Sinh thời, Bác cũng đã chỉ ra phải tổng kết kinh nghiệm của chính mình, phải tìm ra quy luật riêng của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đổi mới đó của Bác đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nền kinh tế, chính trị, xã hội đất nước đã, đang và sẽ tiếp tục đạt được những thành quả to lớn - là thực hiện đúng lời dạy của Người. Nói về tái thiết đất nước, Bác đề cập “việc trước tiên cần phải làm là chỉnh đốn lại Đảng”. Như vậy, Người coi chỉnh đốn Đảng là tiền đề để phát triển đất nước. Thực vậy, đường lối của Đảng nếu sai lầm thì đất nước không thể phát triển được. Thực tiễn đã chứng minh trong khoảng 10 năm từ sau 1975 đến 1986, chỉ mới một chặng đường chưa kịp chỉnh đốn, đất nước đã lâm vào khủng hoảng, trì trệ.
Từ tư duy đến thực tiễn.
Nhớ lại trong Di chúc của Bác được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI công bố năm 1989, lúc này vấn đề “chỉnh đốn Đảng” đã được nhấn mạnh và đến năm 1992 thì từ “chỉnh đốn” đã chính thức được viết trong văn kiện của Đảng. Biểu hiện cao đẹp, nhân văn trong quan niệm “chỉnh đốn Đảng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mọi mục đích đều hướng về con người và để mục đích đó thành công phải đoàn kết. Trong di chúc, nếu đầu tiên, Người nhắc nhở quan tâm xây dựng, củng cố, chỉnh đốn Đảng, hạt nhân của cách mạng, yếu tố quyết định mọi thắng lợi thì ngay lời căn dặn tiếp sau, Người nói phải đoàn kết. Trong Đảng, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, “phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, lấy phê bình và tự phê bình, lấy tình đồng chí thương yêu lẫn nhau để củng cố đoàn kết. Nhưng chỉ đoàn kết trong Đảng chưa đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “đại đoàn kết toàn dân tộc”, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt nam nữ, già trẻ, miền xuôi miền núi, trong nước và nước ngoài. Đại đoàn kết toàn dân để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới là tinh hoa, cốt lõi của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh đồng thời cũng là nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Trở lại hiện thực, công cuộc xây dựng Đảng là công việc thường xuyên và trước đổi mới 1986 cũng có nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng. Từ năm 1974, Nghị quyết Trung ương 23 khóa III đã nêu rất cụ thể về vấn đề này tuy không dùng từ “chỉnh đốn” nhưng trong thực tế năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” Bác đã dùng từ này rồi. Bác còn nói rằng chỉnh đốn sẽ làm cho Đảng đúng đắn, trong sạch, không chệch choạc. Từ năm 1992 đến nay, Đảng ta có lúc dùng từ “chỉnh đốn”, có lúc dùng “đổi mới và chỉnh đốn” Nhưng sau này có giai đoạn lại dùng từ “xây dựng và chỉnh đốn”, đó là cả một quá trình nhận thức. Tuy nhiên cách dùng từ như thế nào đi nữa thì vấn đề “chỉnh đốn Đảng” luôn được Đảng ta coi trọng, xem đây là tiền đề phát triển đất nước và quyết tâm thực hiện ngày càng tốt hơn, đáp ứng sự mong muốn của Bác, cũng là của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Hiện nay nhiều người băn khoăn về sự thoái hóa, biến chất vẫn đây đó diễn ra trong nội bộ Đảng và dường như ngày càng gia tăng, các văn kiện của Đảng cũng cho thấy rằng trước đây là “một bộ phận đảng viên” đến “một bộ phận không nhỏ”, từ “thoái hóa, biến chất” đến “ngày càng thoái hóa, biến chất”. Phải chăng việc chỉnh đốn Đảng chưa làm được như ý nguyện của Bác. Xin khẳng định rằng: không phải như vậy, ngược lại chúng ta đã làm rất tốt, Đảng ta luôn thể hiện sự quyết tâm. Những tồn tại kia tuy có thực, nhưng về lý luận, nó là tính hai mặt luôn có của một vấn đề. Vì vậy Đảng ta chẳng những không chỉ quyết tâm mà còn có những giải pháp mạnh mẽ hơn, đồng bộ, hiệu quả hơn. Cụ thể: Một là về lý luận được coi trọng, đặc biệt là lý luận về con đường đi lên CNXH trước đây thế nào thì bây giờ đã được nâng cao, tuyên truyền, nhận thức rõ hơn. Đây chính là chỉnh đốn bởi nếu lý luận sai, nhận thức thấp thì cách mạng lung lay như giai đoạn đầu tái thiết xây dựng đất nước là điều khó tránh; Hai là chú ý đến cương lĩnh, năm 1930 đã có Cương lĩnh, năm 1992 bổ sung và tháng 01/2011 Đảng ta tiếp tục hoàn thiện, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; Ba là thể chế hóa đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách của nhà nước pháp quyền, đây cũng là nội dung cầm quyền của Đảng; Thứ tư là xây dựng cơ cấu, tổ chức của Đảng, sắp xếp gọn lại bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, luân chuyển khoa học hơn, tiến bộ hơn và ngày càng dân chủ hóa hơn.
Trải qua 25 năm kể từ Đại hội VI, Đảng ta luôn đặt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng đưa nước ta vượt qua khủng hoảng, phát triển toàn diện như ngày nay. Từ một nước nghèo khổ, kiệt quệ, phụ thuộc sau chiến tranh, Việt Nam ngày càng có uy tín và tiếng nói trên trường quốc tế, đạt được thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Có được những thành tựu đó là nhờ Đảng và nhân dân ta không ngừng thực hiện “chỉnh đốn Đảng” theo di huấn của Người và nêu cao ngọn cờ sáng tạo, thấm nhuần tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để trở thành tư tưởng của toàn Đảng, toàn dân.
Con đường đi lên còn nhiều gian khổ, kẻ thù không từ một thủ đoạn chống phá nào nhưng chúng ta kiên định trên con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn, thực sự lấy chỉnh đốn Đảng là tiền đề để phát triển đất nước như lời dạy của Người, nhất định sự nghiệp vĩ đại của Đảng và toàn dân ta sẽ đến thành công./. (Quốc Thái)