Xưởng làm dép của anh Hồ Xuân Thanh ở thôn Thắng Hải đã đi vào hoạt động hơn 1 năm nay và chỉ có 3 nhân công gồm anh và 2 người cháu trai gọi anh bằng cậu.
Từ 7 giờ sáng, 3 cậu cháu đã bắt tay làm việc, mỗi người một khâu, tần mẫn qua các công đoạn như vẽ khuôn, dán đế, dập dép, xỏ quai. Nếu làm đúng công suất thì 1 ngày 3 cậu cháu có thể cho ra lò gần 200 đôi dép. Anh Hồ Xuân Thanh cho biết: Trong một dịp lên Đăk Lăk thăm bạn tình cờ anh phát hiện nghề làm dép xốp thời trang mà người bạn anh đang làm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong khi tại vùng quê mình chưa có ai làm, anh quyết tâm mang nghề này về quê.
Với quyết tâm cao, sau gần 3 tháng học việc tại xưởng của người bạn ở Đăk Lăk, anh Thanh về bàn cùng vợ vay vốn họ hàng gần 100 triệu đồng đầu tư máy móc và vật liệu làm dép. Nếu đúng sức người và năng suất của máy thì trung bình 1 tháng, 3 cậu cháu anh Thanh có thể làm ra khoảng 6 ngàn đôi dép với đủ các mẫu mã. Nếu hàng bán chạy, với số lượng này, sau khi trừ chi phí anh thu lãi gần 60 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện tại do chưa có thị trường, hàng tháng anh Thanh chỉ làm theo đơn đặt hàng khoảng 1 ngàn đôi giao cho các chợ đầu mối từ Vũng Tàu ra Khánh Hoà.
So với các nghề như thợ hồ, đi biển mà anh đã từng làm trong thời gian qua thì nghề làm dép này cho thu nhập tốt hơn. Nếu có thị trường tiêu thụ ổn định và rộng hơn, anh sẽ đầu tư mở rộng xưởng đúng như lòng ao ước là có thể tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động tại địa phương và có cơ hội làm giàu chính đáng.
Minh Tâm