Nghề làm chậu kiểng bén duyên cùng anh Lợi từ khi anh bắt đầu đam mê cây kiểng. Cùng với việc sưu tầm và chăm sóc cây, anh Lợi tự tay đúc chậu kiểng để làm đẹp thêm những đứa con tinh thần của mình. Bởi theo anh, nếu như các loại hoa, cây kiểng mà thiếu đi cái chậu kiểng phù hợp, thì dẫu cây có đẹp mấy chăng nữa cũng trở thành nhàn nhạt. Ban đầu phục vụ cho chính niềm đam mê của mình, dần dà, nhận thấy nhu cầu mua chậu kiểng khá phổ biến, anh bắt đầu nghiên cứu nghề đúc chậu, tự đúc khuôn và sáng tạo ra những đường nét hoa văn lạ để in trên thân chậu.
Con trai của anh là Nguyễn Phương Nam cũng có cùng niềm đam mê như cha. Hằng ngày, cả hai cha con tỉ mỉ chăm chút cho từng hoa văn. Để làm ra cái chậu đạt chất lượng, hai cha con phải mất khoảng 2 đến 3 ngày qua các công đoạn quay miệng chậu, khung chậu, ráp chân, quay tán đế, chà nhám, rồi cuối cùng là sơn và vẽ. Vật liệu gồm có xi măng, cát vàng, đá và nước sơn.
Mấy tháng nay, cha con anh tất bật cung ứng nhu cầu tết. Trong sân nhà luôn có trưng bày hàng chục chậu kiểng với nhiều kích cỡ, kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Từ chậu tròn, chậu đĩa đến bầu dục, mặt chậu đều có hoa văn tinh tế, màu sắc đường diềm bắt mắt. Tùy theo đường kính và kiểu dáng mà có giá khác nhau, dao động từ vài chục ngàn đến nữa triệu đồng. Tuy vất vả nhưng nghề cũng giúp hai cha con anh cũng kiếm được dăm ba triệu đồng mỗi tháng.
Theo anh Lợi, học nghề không khó, ai tinh ý, vài tháng là thành thạo. Nhưng có giỏi nghề hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng sáng tạo, khéo tay và hết lòng với nghề. Có yêu nghề thì mới thổi được hồn vào sản phẩm. Nghề đúc chậu kiểng tạo thu nhập khá ổn định cho những gia đình nhỏ như anh và quan trọng là góp phần tạo nên nét tinh tế, thẩm mỹ cho cuộc sống./-
Minh Tâm