Là huyện miền núi nghèo, thuần nông, đất đai đồi dốc, bạc màu, đời sống đại bộ phận nhân dân rất khó khăn. Vì vậy, kể từ khi bộ máy huyện Hàm Tân (mới) đi vào hoạt động (tháng 12/2005), Đảng bộ huyện đã xác định rõ phải tập trung lãnh đạo, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn làm nền tảng để thúc đẩy và đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài của huyện, trong đó xác định vai trò của Hội Nông dân là hết sức quan trọng. Yếu tố then chốt không thể thiếu chính là công tác lãnh đạo của Đảng. Qua tìm hiểu, được hiết ngay từ những ngày đầu, Huyện ủy Hàm Tân đã tập trung quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của trung ương, tỉnh. Đặc biệt là Chỉ thị số 59 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông Dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn” và nhiều các nghị quyết, kết luận khác.
Bên cạnh yếu tố then chốt trên, một yếu tố quan trọng khác không thể thiếu là công tác tổ chức cũng phải được tăng cường. Đồng chí Nguyễn Đình Huân – HUV, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: tổ chức Hội từ huyện đến cơ sở thời gian qua luôn được củng cố theo hướng chất lượng nâng dần. Đối với cơ sở có 7/10 Chủ tịch Hội đã đủ chuẩn; 14 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đang hoàn thiện các lớp trung cấp chính trị và trung cấp, đại học chuyên môn. Đặc biệt Thường trực Huyện hội cả Chủ tịch và 02 Phó Chủ tịch hiện đều đủ chuẩn, trẻ hóa và có cơ cấu nữ. Toàn huyện có 10.950 nông dân thì có có 10.630 hội viên được kết nạp, chiếm tỷ lệ 97%. Các mặt hoạt động đã khắc phục dần bệnh hành chính hóa, các phong trào đều mang lại hiệu quả cụ thể, hướng sâu sát cơ sở … góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh …
Từ sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua chính quyền các cấp, các ngành đã thực sự quan tâm, tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia sâu, rộng hơn trong xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những chủ trương, chính sách, kế hoạch có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn ở cả cấp huyện và cơ sở. Lãnh đạo Hội Nông dân các cấp đã được tham gia các Ban Chỉ đạo, các Hội đồng, có điều kiện để phối hợp bàn bạc, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, phản biện, giám sát thực hiện các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, các ngành (Chi nhánh Ngân hàng NN& PTNT, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Phòng NN& PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Trạm thú y…) đều có các chương trình liên tịch, có nhiều kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân để tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cây, con, hỗ trợ tạo điều kiện cho nông dân vay vốn sản xuất, trồng rừng và giao khoán bảo vệ rừng, tổ chức các phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, phát động phong trào chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, các hội thi văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội thi nhà nông đua tài, nông dân tham gia giữ gìn ANTT… Đặc biệt để tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã thành lập, củng cố Ban Chỉ đạo, xây dựng quy chế, cấp kinh phí hoạt động. Các ngành Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp, Thanh tra ký liên tịch với Hội Nông dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Ban Hòa giải và Tổ Hòa giải cơ sở ở các xã, thị trấn đều có thành viên là Hội Nông dân (Hiện nay toàn huyện có 10 Ban Hòa giải và 79 Tổ Hòa giải với 434 thành viên; hơn 6 năm qua đã tiếp nhận hơn 1.500 đơn của nông dân và đều được Hội Nông dân đã tham gia giải quyết).
Trong phong trào chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy và UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ Hội Nông dân là lực lượng nòng cốt, đi đầu. UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã tạo điều kiện, hỗ trợ Hội Nông dân triển khai các hoạt động tuyên truyền, xây dựng các mô hình và đảm nhận các phần việc cụ thể để xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến nay, Hội Nông dân huyện và các ban, ngành chuyên môn của huyện đã tổ chức 169 đợt hội thảo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật và các lớp dạy nghề cho nông dân với tổng kinh phí 1.056 triệu đồng, xây dựng mô hình trình diễn nông nghiệp với tổng kinh phí 414,3 triệu đồng. Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn đã tích cực tham gia vận động nông dân đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất để xây dựng nhà văn hóa thôn, khu phố, làm trường học, làm đường giao thông… với giá trị hàng chục tỉ đồng. Gần đây, tiếp tục xây dựng mô hình Tổ nông dân liên kết sản xuất và Tổ nông dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ sản xuất ở xã Thắng Hải bước đầu đạt kết quả khả quan.
Có thể thấy rằng, với sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Huyện ủy, sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của UBND huyện đã giúp cho Hội Nông dân huyện phát huy tốt vai trò của mình, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của huyện, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện (theo chuẩn mới) từ 21,5% năm 2006 xuống còn 11,5% vào năm 2012. Giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm đều tăng, cơ cấu sản xuất nông nghiệp và cơ cấu lao động nông thôn đã có sự chuyển dịch tích cực, hình thành ngày càng nhiều mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… Từ đó, đã góp phần rất quan trọng trong phát triển mọi mặt của huyện nhà. Đặc biệt hàng năm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt; thu ngân sách luôn vượt chỉ tiêu và năm sau cao hơn năm trước; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội điện, đường, trường, trạm, chợ được quan tâm đầu tư xây dựng … đã làm cho bộ mặt nông thôn tại huyện ngày càng khởi sắc.
Quốc Thái