Xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển KT-XH của địa phương; trong những năm qua các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa. Công tác học tập, quán triệt và xây dựng Chương trình hành động được quan tâm chỉ đạo, toàn huyện tổ chức 42 đợt sinh hoạt quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy cho hơn 12.600 lượt cán bộ, đảng viên; tổ chức tuyên truyền đến đông đảo các tầng lớp nhân dân về chủ trương, nội dung và nhiệm vụ xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đến nay, đã triển khai thực hiện 1.840 giờ phát thanh, thông tin lưu động, treo 7.457 lá cờ, áp phích các loại, xây dựng 5.420m2 cụm pa nô, gần 3.700 mét băng rôn và các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao thường xuyên được đẩy mạnh… Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần đưa nội dung của Nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy đến được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, từ đó nhận thức của người dân được nâng lên, nhân dân ngày càng tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam và biết gìn giữ, trân trọng phát huy những giá trị văn hóa tinh thần mang bản sắc dân tộc Việt Nam.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa ở địa phương, từng bước xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, kế thừa và phát huy các thuần phong mỹ tục của dân tộc phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH. Việc khôi phục, tôn tạo và phát huy văn hóa của đồng bào, nhất là các lễ hội, phong tục văn hoá trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện được quan tâm giữ gìn và phát huy; các cấp ủy, chính quyền quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đồng bào tổ chức, sinh hoạt như: Lễ hội Kỳ Yên, thi bắn nỏ của đồng bào Chăm (Tân Thắng); nhiều sinh hoạt văn hóa của đồng bào được khôi phục như Mã La của đồng bào Rai (Tân Hà), về văn hóa phi vật thể của các dân tộc tiếp tục được nghiên cứu bảo tồn như ngôn ngữ viết, tiếng nói, nghệ thuật trình diễn dân gian; ngành nghề thủ công... và đặc biệt là điệu hát “Harri” của đồng bào Raglai sinh sống tại các xã, như: TT. Tân Minh, Sông Phan, Tân Xuân, Tân Hà đang được UBND tỉnh lập đề án, khảo sát và phục hồi. Văn hoá đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội góp phần xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; số hộ gia đình văn hoá, thôn, khu phố văn hoá, cơ quan, trường học có NSVM tăng lên qua từng năm, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi tiến bộ, ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Đến nay có 100% thôn, khu phố xây dựng được hương ước, quy ước; đến năm 2012 số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá là 85,75%; số cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hoá là 86,55%.
Môi trường văn hóa được đảm bảo, huyện luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở mọi cấp, mọi ngành, khắp các địa bàn dân cư và đến từng hộ gia đình, như: gia đình, thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học văn hóa, khu dân cư tiên tiến không có tệ nạn xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng tích cực. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp và đạt được kết quả cao trong các lần tham gia hội thi, hội diễn ở tỉnh; Hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa đã từng bước đi vào nề nếp và quản lý chặt chẽ; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chấp hành các quy định của Nhà nước, huyện luôn quan tâm giải quyết các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tôn giáo như cho xây dựng sửa chữa cơ sở thờ tự, cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi; hỗ trợ và tạo điều kiện để tổ chức các ngày lễ trọng của các tôn giáo diễn ra tốt đẹp... Các thiết chế văn hóa được chú trọng xây dựng và từng bước phát triển đáp ứng nhu cầu của thời kỳ đổi mới. Trung tâm VHTT-TT và thư viện của huyện tuy chưa được xây mới nhưng phần nào đã đáp ứng tốt cho các hoạt động văn, thể, mỹ, nhu cầu của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện nhà; có 10/10 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng và trạm truyền thanh không dây phục vụ công tác tuyên truyền; các xã, thị trấn đều được trang bị các trang thiết bị cần thiết để phục vụ các chương trình văn hóa – văn nghệ, lễ hội, hội thi, hội diễn và các hoạt động văn hóa khác của từng địa phương. Riêng về thể thao, huyện đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, toàn huyện có 23 sân bóng đá, 34 sân bóng chuyền, 03 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo. Ở các xã, thị trấn có 51/53 thôn, khu phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, 10/10 xã, thị trấn có bưu điện, bưu cục văn hóa. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, huy động và tranh thủ mọi nguồn lực, vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia. Ngoài kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa hàng năm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, với chủ trương xã hội hóa và thực hiện phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân tham gia đóng góp công sức và kinh phí trong triển khai thực hiện các hoạt động như: xây dựng trụ sở sinh hoạt thôn, khu phố, làm đường giao thông nông thôn, dọn dẹp vệ sinh môi trường; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc…Từ kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã góp phần to lớn vào việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt trên 9%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,72% (theo chuẩn mới).
Tuy nhiên, bên cạnh đó việc triển khai thực hiện Nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ còn có những mặt hạn chế, khuyết điểm:
Trước hết, đó là sự nhận thức về tầm quan trọng của văn hoá trong tiến trình phát triển KT, VH, XH, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới ở một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương còn hạn chế, sự quan tâm chỉ đạo chưa đúng mức.
Đầu tư các nguồn lực cho văn hóa tuy đã được quan tâm song chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, thiết chế văn hóa chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, nhất là hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa được tiến hành thường xuyên. Các văn hoá phẩm độc hại, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thôn, khu phố văn hoá, gia đình văn hoá... tuy đã thu được những kết quả tích cực, nhưng ở một số địa phương còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao... Công tác sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc thiểu số trên địa bàn chưa phát triển, thiếu sự quan tâm đúng mức. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW và Kết luận số 51-KL/TW của Trung ương chưa được triển khai tích cực, sức lan toả chưa cao.
Hệ thống thiết chế phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của huyện còn nghèo nàn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc và các xã còn khó khăn. Công tác quản lý xây dựng và phát triển hệ thống thông tin đại chúng còn chậm, thông tin đến với nhân dân chưa được thông suốt nhất là vùng sâu, vùng xa. Tình trạng vi phạm pháp luật, gây rối trật tự an ninh thôn, xóm, cờ bạc, ma tuý...từng lúc, từng nơi còn diễn ra; nhất là trong tầng lớp thanh niên ngoài xã hội.
Trong thời gian tới huyện xác định những nhiệm vụ cần tập trung phấn đấu thực hiện:
- Một là, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Tập trung vào xây dựng môi trường văn hóa trên từng địa bàn dân cư và xây dựng con người có văn hoá tốt nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Quan tâm củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa; chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo gắn với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh; phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN trên từng địa bàn.
- Hai là, đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị quyết TW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới...
- Ba là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo quản lý và nghiệp vụ ở các cơ quan quản lý văn hóa trên địa bàn huyện. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến văn hóa, văn nghệ. Ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả với sự du nhập các loại văn hóa độc hại, đồ trụy vào đời sống của nhân dân.
- Bốn là, phấn đấu trong những năm đến các xã, thị trấn tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa như: nhà văn hóa, sân vận động, khu vui chơi giải trí, thể thao, thư viện... phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; duy trì tốt hoạt động của các câu lạc bộ (đờn ca tài tử, CLB dưỡng sinh..., các đội văn nghệ quần chúng, các đội thông tin lưu động và phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các bộ môn thể thao là thế mạnh của từng địa phương...
- Năm là, tích cực triển khai việc thành lập Chi hội văn học, nghệ thuật của huyện để hoạt động sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật mới về chủ đề văn hoá truyền thống địa phương.
Tin rằng, với các nhiệu vụ trọng tâm, mục tiêu, giải pháp thiết thực, đồng bộ được đặt ra trong thời gian tới, huyện Hàm Tân sẽ còn thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn huyện.
(Anh Long)