Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc ta trong quá trình xây dựng đất nước. Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định này thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013. Nghị định 92/2012 gồm 5 chương, 14 mục, 46 điều với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó có 12 điều được quy định mới, làm rõ hơn quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Có thể nói hầu hết các điều được quy định trong Nghị định số 22/2005 đều được sửa đổi ở nhiều mức độ khác nhau theo hướng quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể hơn các quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, Nghị định số 92/2012 đã sửa đổi theo hướng rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục có liên quan đến nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm giải quyết kịp thời, nhanh chóng các yêu cầu chính đáng của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các cá nhân có liên quan. Ví dụ thời hạn để Chủ tịch UBND cấp tỉnh xét công nhận tổ chức tôn giáo theo thẩm quyền, nếu Nghị định số 22/2005 quy định 60 ngày thì Nghị định số 92/2012 quy định chỉ còn 30 ngày. Ngoài ra, Nghị định số 92/2012 còn gộp một số điều, khoản trong Nghị định số 22/2005 thành các điều, khoản mới cho gọn và logic hơn về nội dung. Bên cạnh việc sửa đổi, Nghị định số 92/2012 còn bổ sung thêm một số nội dung mới như: quy định việc sử dụng con dấu của các tổ chức tôn giáo (Điều 11) do trước đây, Nghị định số 22/2005 chưa quy định việc sử dụng con dấu của các tổ chức tôn giáo, nhưng trên thực tế từ lâu Nhà nước đã thừa nhận và cho phép các tổ chức tôn gáo đăng ký sử dụng con dấu của mình. Bổ sung quy định mới việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài (Điều 20)…
Đặc biệt là 9 điểm mới so với Nghị định số 22 hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó có các điểm mới vềquản lý đối với hoạt động tín ngưỡng (Điều 3); về điều kiện để tổ chức được đăng ký sinh hoạt tôn giáo, đăng ký hoạt động, công nhận tổ chức tôn giáo (Điều 5, Điều 6, Điều 8); về quản lý đối với trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo (Điều 15, Điều 16); về đăng ký Hiến chương, Điều lệ sửa đổi của tổ chức tôn giáo (Điều 30); về hoạt động tôn giáo tại cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Điều 33); về cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 34, Điều 35); về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam (Điều 40); về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (Điều 42, Điều 43) và về thủ tục hành chính quy định rõ số lượng hồ sơ gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thời hạn trả lời các tổ chức, cá nhân tôn giáo là ngày làm việc và đều được rút ngắn. Nghị định cũng quy định rõ việc tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc tiếp nhận hồ sơ.
Quốc Thái