Những năm qua, nhờ phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đã được đầu tư, kinh tế của huyện nói chung, nhất là kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển đáng kể, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nông dân ngày càng ổn định. Tuy nhiên với địa hình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng và gió, lượng mưa trung bình hàng năm chỉ nhỉnh hơn 1.550mm tập trung vào các tháng 7, 8, 9. Vì vậy tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới vào mùa khô vẫn luôn thường trực. Các sông, suối đa số có lưu vực hẹp, độ dốc lại lớn, dòng chảy chủ yếu phụ thuộc vào chế độ mưa nên nhiều nơi trên một số triền sông không còn dòng chảy vào mùa khô, nếu có thì lưu lượng cũng rất nhỏ. Từ đây, hệ thống thủy lợi nhỏ dần được hình thành nhưng chủ yếu tự phát do nhu cầu bức xúc của hộ cá thể…
Để đạt được mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình, nâng cao hơn nữa đời sống cho nông dân, đặc biệt là phát huy sự sáng tạo trong lao động sản xuất nông nghiệp của các tầng lớp nhân dân. Giải pháp nâng tầm thủy lợi nhỏ từ tự phát thành phong trào thi đua rộng khắp được bàn bạc và vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có hẳn Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát động sâu rộng phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ. Mục tiêu phấn đấu đưa nguồn nước tưới đến tận các cánh đồng có điều kiện, các khu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện. Được biết nhằm hoàn thành mục tiêu vừa cấp bách, vừa lâu dài này. Cấp ủy huyện đã chỉ đạo ở những nơi có điều kiện địa hình thuận lợi, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể cần tập trung vận động nhân dân xây dựng thủy lợi nhỏ, dự trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với tổ chức phong trào thi đua rộng khắp đến địa bàn nông thôn; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong phong trào.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu lớn thì vấn đề tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống là hết sức quan trọng. Từ đó trong chỉ đạo điều hành nhấn mạnh sự tăng cường lãnh đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thủy lợi đối với kinh tế - xã hội huyện nhà, nhất là đối với kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn và đời sống của nông dân; từ đó, phát động sâu rộng trong tất cả các xã, thôn, xóm phong trào nông dân thi đua làm thủy lợi nhỏ bằng chính công sức của mình. Đồng thời, chính quyền huyện nhất thiết phải xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị liên quan thực hiện. Theo đó cấp ủy, chính quyền cơ sở có nghị quyết, kế hoạch triển khai, xác định vị trí, địa điểm, ấn định thời gian vận động thực hiện. Trong đó, phát huy đúng mức vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, qua đánh giá, phân tích nguồn nước ngầm hiện có với tiềm năng khai thác 168.660m3/ngày, đêm (hiện mới chỉ khai thác nguồn nước ngầm mạnh nông ở độ sâu 04 - 40m) nên ngoài mục tiêu phấn đấu đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bằng thủy lợi nhỏ, Hàm Tân còn phấn đấu đến năm 2020 sẽ giải quyết cơ bản nước sinh hoạt, kể cả nước phục vụ công nghiệp, dịch vụ, du lịch trên địa bàn.
Thử thâm nhập thực tế mới thấy sự quyết tâm của huyện là có cơ sở bởi không chỉ phát động phong trào, những người có trách nhiệm nơi đây còn đang ngày đêm phối hợp các cấp, ngành của tỉnh hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đã được phê duyệt. Đẩy mạnh công tác bồi thường giải tỏa, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình thủy lợi Sông Dinh 3, công trình tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân, đập dâng Sông Phan, đầu tư nâng cấp hồ Tân Hà, đập Cô Kiều, Sông Tram… kết hợp vận động nhân dân ngăn dòng tích nước, xây dựng công trình đầu mối, tiến đến quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn nước từ các hệ thống thủy lợi./.
Quốc Thái