Toàn huyện hiện có 08 Báo cáo viên pháp luật; 04 cộng tác viên tư vấn, trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia; 10 Hội đồng hòa giải cơ sở/113 thành viên, 453 tuyên truyền viên pháp luật của 10 xã, thị trấn; 53 Tổ hòa giải/340 thành viên của thôn, khu phố; 11 giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trong các trường THCS. Bên cạnh đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các Hội quần chúng huyện cũng đã hình thành nhiều mô hình, có nhiều hoạt động thiết thực tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật: MTTQ huyện hình thành 5 khu dân cư đảm bảo về ATGT, ANTT, VSMT; Hội Phụ nữ huyện có 10 CLB ATGT/1.131 thành viên, 19 Tổ PN tham gia phòng chống TNXH/ 400 thành viên, 57 Tổ phụ nữ vận động có chồng, con không vi phạm pháp luật, TNXH và ma túy/1.053 thành viên; Đoàn TN huyện có 12 CLB bảo vệ pháp luật ở xã, thị trấn và 02 Trường THPT/ 55 thành viên.
Nội dung phổ biến, giáo dục khá đa dạng, phong phú, trên nhiều lĩnh vực với nhiều bộ luật, luật và các văn bản dưới luật. Trong đó tập trung nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp trong đời sống xã hội, nổi lên như: hôn nhân và gia đình, khiếu nại, tố cáo, dân sự, an toàn giao thông, đất đai, xây dựng, phòng chống tham nhũng, nghĩa vụ quân sự, dân quân tự vệ, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, xử phạt vi phạm hành chính… Hình thức phổ biến, giáo dục từng bước được đổi mới, hấp dẫn hơn. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền, Mặt trận – đoàn thể huyện triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho CBCC, đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức, như: tổ chức hội thảo “Pháp luật từ góc nhìn”, phát tin, bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh không dây ở cơ sở (thời lượng 30 phút/ngày); thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ (chiếu bóng phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân); tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của huyện về Hiến pháp (sửa đổi 2013), Luật Hôn nhân – Gia đình, Luật ATGT…thông qua sinh hoạt của các CLB, tổ, nhóm về Pháp luật ở cơ sở; trong các trường học hình thành bản tin phát thanh tuyên truyền pháp luật, bản tin pháp luật ngoài trời cho học sinh tìm hiểu, tổ chức buổi ghi hình tuyên truyền pháp luật tại các trường THPT. Trong 2 năm (2012-2013), toàn huyện đã tổ chức 42 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 30.755 lượt đối tượng; cấp phát 5.418 cuốn tài liệu, 28.435 tờ rơi, 40 đĩa CD; tuyên truyền miệng 27.690 cuộc; phát thanh trên hệ thống truyền thanh không dây 47.062 giờ; tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa Luật DQTV tại các xã, thị trấn; thực hiện 5 gameshow ATGT trên hệ thống truyền hình huyện.
Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật những năm qua trên địa bàn huyện còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế: Việc triển khai tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa rộng, chưa sâu. Đối tượng chủ yếu tập trung vào CBCC, hòa giải viên, học sinh; nội dung tuyên truyền dàn trãi, khó tiếp thu. Hình thức chậm đổi mới, chưa đa dạng và chưa thật sự phù hợp với từng nhóm đối tượng. Hệ thống trạm truyền thanh các xã, thị trấn chưa phát huy hết vai trò, chức năng thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Hầu hết Tủ sách pháp luật ở các xã, thị trấn không phát huy được tác dụng, cơ sở vật chất các xã, thị trấn còn khó khăn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn, trợ giúp pháp lý hoạt động không đồng đều và phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân nhìn chung còn rất hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội xảy ra khá phổ biến, gây nên nhiều khó khăn cho việc quản lý, điều hành, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ANTT của huyện trong thời gian qua.
Để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian đến cần thực hiện tốt một số các nhiệm vụ sau:
Các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 và Kết luận số 04-KL/TW, ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; các văn bản chỉ đạo, các đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bảo đảm mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều được phổ biến kịp thời, đầy đủ, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của toàn thể đảng viên, CBCC-VC và nhân dân.
Rà soát, củng cố, kiện toàn nề nếp, phát huy tính chủ động, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp, các tổ hòa giải cơ sở, tủ sách pháp luật, trạm truyền thanh… Đồng thời xem xét đầu tư, hỗ trợ các phương tiện, trang thiết bị thiết yếu, có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng này.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Đề án, kế hoạch về công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Trong đó cần chú ý chọn lọc đối tượng, nội dung thiết thực, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy vai trò trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong công tác phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật. Có kế hoạch tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các hoạt động nhân “Ngày Pháp luật Việt Nam” (ngày 09/11) hàng năm.
Chú trọng việc sơ kết, tổng kết, đúc rút và nhân rộng kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay, hiệu quả nhằm tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.