1. Sống có trách nhiệm:
Trách nhiệm với chính mình, với quần chúng nhân dân, với đồng chí, đồng đội, với những việc mình làm, với những gì mình nói.
Hãy sống có trách nhiệm với chính mình, với cuộc đời của chính mình, đừng bao giờ để những người xung quanh phải ghét bỏ bởi lối sống buông thả, vô trách nhiệm của mình! Khi có ý thức phải chịu trách nhiệm của bản thân, sẽ mạnh mẽ hơn, chín chắn hơn cũng như kiên cường hơn trong cuộc sống, vượt qua khó khăn trong cuộc đời.
Hãy sống có trách nhiệm với người thân, bạn bè, đồng chí, với những người xung quanh, không bỏ mặc, vô tâm với đau khổ, mất mát của họ. Trách nhiệm là chất gắn kết các mối quan hệ trong cuộc sống xã hội với nhau. Trách nhiệm đối với công việc, trách nhiệm là người đảng viên, là người cán bộ, công chức để phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Hãy tự chịu trách nhiệm cho những lời mình nói, chú ý về ý nghĩa của những lời mình nói. Cân nhắc lựa chọn từ ngữ cho phù hợp để không làm tổn thương người khác. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi công sở.
Hãy sống có trách nhiệm thì bản thân, những người thân và người xung quanh sẽ luôn có được hạnh phúc.
2. Làm việc có trách nhiệm:
Đã là người đảng viên thì bất cứ công việc gì cũng cần phải có trách nhiệm, hãy làm hết sức mình, hãy làm thật tốt những gì tổ chức, đoàn thể, đơn vị giao cho, đừng làm qua loa, đại khái cho xong chuyện. Hãy luôn xác định “công việc là của mình” tất sẽ có ý thức trách nhiệm. Hãy nghĩ đã làm được gì, làm việc thật lòng, không nói nhiều, đừng sợ người khác không biết. Người như vậy ai cũng cảm mến, mọi cố gắng chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng !
Với người cán bộ công chức, hai từ trách nhiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức là phẩm chất đạo đức, là lòng tự trọng, giá trị của mỗi người. Những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công dân, về ý thức trách nhiệm đối với dân, với nước vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Theo Người, “Khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình”.
Bàn về ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, trước hết phải nói đến trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị. Bởi vì, hơn ai hết, họ là những “người cầm trịch”, “đứng mũi chịu sào”, được giao trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị không những chịu trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm của bản thân mà còn phải chịu trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, công chức dưới quyền khi thi hành nhiệm vụ. Người đứng đầu phải phân công chức trách, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng cán bộ, công chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, thiếu sót trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức dưới quyền, tránh tình trạng quan liêu, bê bối, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình quản lý. Thực hiện tốt việc đăng ký nêu gương người đứng đầu.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; trì trệ, bê trễ, làm qua loa, đại khái dẫn đến những sai sót, ý thức kỷ luật lao động kém; vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc như nghỉ việc không lý do, làm việc riêng, đi muộn, về sớm, chơi games….. trong giờ làm việc, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức. Thiếu tôn trọng nhân dân, không thấy rõ “cán bộ là công bộc của dân”.
3. Nói đi đôi với làm:
Là sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa ý chí và hành động, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và trong lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói miệng ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc ta phải cần kiệm trước đã, trước hết mình phải làm gương cho dân. Làm gương cả về 3 mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó”. Nói đi đôi với làm là nguyên tắc quan trọng nhất trong xây dựng nền đạo đức cách mạng; hay nói cách khác là làm theo tấm gương Hồ Chí Minh.
Đứng trước những thời cơ và thách thức của quá trình hội nhập, yêu cầu của công tác cải cách hành chính, cải cách lề lối và tác phong làm việc và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng ngành trong giai đoạn mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức thuộc 2 cơ quan, đơn vị Phòng Nội vụ và Phòng Y tế nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thời giờ làm việc là việc làm hết sức cấp thiết.
Ngoài việc chấp hành tốt quy định Luật cán bộ, công chức, Luật lao động, chấp hành quy định Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong ngành mình, hãy sống và làm việc có trách nhiệm. Trong đó, Phòng Nội vụ tập trung rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả bộ máy các cơ quan, đơn vị trong huyện. Tiếp tục triển khai Đề án thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo các đơn vị hành chính, xây dựng và hoàn thiện đề án vị trí việc làm. Đẩy mạnh CCHC, cải cách chế độ công vụ, công chức. Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả động của hệ thống chính quyền cơ sở. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Phối hợp triển khai có hiệu quả công tác thanh niên. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo. Tham mưu thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về Thi đua – khen thưởng, kỷ luật. Tăng cường hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về văn thư lưu trữ. Phòng Y tế làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và ngành cấp trên về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó trọng tâm là công tác phòng chống các loại dịch bệnh, thực hiện các chương trình, mục tiêu Y tế Quốc gia, nâng cao chất lượng trong khám chữa bệnh, thực hiện tốt 12 điều y đức và quy tắc ứng xử của Bộ Y tế, củng cố mạng lưới y tế cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn y tế theo tiêu chí mới, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hành nghề y, dược ngoài công lập, dân số - kế hoạch hóa gia đình, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe…
Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc. Nghiêm túc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua các việc làm tại cơ quan, tại nhà và tại cộng đồng dân cư. Trách nhiệm cao trong tự phê bình và phê bình. Tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý để giải quyết công việc được khách quan, thận trọng. Tự giác nhận khuyết điểm do hậu quả giải quyết công tác để xảy ra sai sót, không đùn đẩy, đổ lỗi cho người khác. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm”. Chân thành, khiêm tốn, không chạy theo chủ nghĩa thành tích, không bao che, giấu khuyết điểm… Có ý thức xây dựng đơn vị đoàn kết, vững mạnh. Giúp đỡ, phối hợp với đồng nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, công tác dân vận chính quyền.
Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm; không lùi bước trước mọi khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ được giao; làm việc bằng mọi khả năng, công sức; chống bệnh lười biếng, lối sống hưởng thụ, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.
Tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức, lý luận khoa học khoa học, kinh nghiệm thực tiễn, các sáng kiến trong công tác.
Biết quý trọng công sức lao động và tài sản tập thể, không xa hoa, lãng phí, không phô trương hình thức. Chấp hành và thực hiện tốt Chỉ thị số 27, 40 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 93 của Huyện ủy về nâng cao trách nhiệm, chấp hành tốt giờ giấc làm việc, chống tham nhũng lãng phí.
Cán bộ ở cương vị nào cũng phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Hãy trân trọng những gì mình đang có. Hãy sống và làm việc có trách nhiệm là vun đắp, giữ gìn hạnh phúc cho chính mình, cho mọi người; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.