Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. Thời gian qua, huyện đã xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Khoa học và Công nghệ; quản lý các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ.
Việc chuyển giao khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được chú trọng hơn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi. Đến nay nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới, giống cây trồng, con nuôi mới, như các mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap, nuôi dông, nhím, giun quế, heo rừng lai, trồng cao su, mít siêu sớm, cam, quýt...
Sử dụng Cytokinin xử lý ra hoa điều trái vụ; sử dụng Trichoderma trong làm phân bón hữu cơ, canh tác lúa, trồng rau mầm, rau an toàn sinh học; sử dụng chế phẩm BALASA 01 làm chất đệm, lót sinh học trong chăn nuôi...đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí đầu tư, thời gian chăm sóc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong 6 năm qua, đội ngũ trí thức đã triển khai ứng dụng 16 đề tài khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện (trong đó: 12 đề tài đã nghiệm thu, xếp loại; 04 đề tài đang triển khai thực hiện) với tổng kinh phí thực hiện 861.711.540 đồng; tham gia Hội thi sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác quản lý (có 11 giáo viên đạt cấp tỉnh, 574 giáo viên đạt cấp huyện).
Huyện đã ban hành và thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Thực hiện đổi mới công tác cán bộ, việc quy hoạch, phát triển bổ nhiệm đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trên địa bàn được thực hiện thường xuyên, theo hướng nâng dần tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, trên đại học vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng nhiều. Huyện đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng 342 lượt cán bộ, trong đó: LLCT cao cấp 23, trung cấp 168; chuyên môn thạc sĩ 5 đ/c, đại học 50, cao đẳng 3, trung cấp 20; bồi dưỡng nghiệp vụ 44; quản lý nhà nước 29. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tự tham gia học các lớp đại học thông qua nhiều loại hình (chính quy, tại chức, chuyên tu, từ xa...)để nâng cao trình độ chuyên môn.
Tuy nhiên đội ngũ trí thức còn những mặt hạn chế nhất định:khả năng tự nghiên cứu, sáng tạo, sáng kiến, cải tiến, ứng dụng khoa học – kỹ thuật và công nghệ của trí thức còn thấp; một bộ phận trí thức còn thụ động trong học tập, công tác, chưa thường xuyên học hỏi, trau dồi nghiệp vụ, chưa sâu sát thực tiễn cuộc sống; việc bố trí sử dụng trí thức có nơi, có trường hợp chưa đáp ứng được nguyện vọng, chưa phù hợp với năng lực, sở trường; một số trí thức chưa thực sự tâm huyết với công việc, gắn bó với nghề nghiệp, với địa phương.
Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện một số đề án quan trọng, như đổi mới căn bản toàn diện giáo dục-đào tạo, đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, phát triễn kinh tế tri thức...tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; xây dựng cơ chế làm việc, thường xuyên phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành hữu quan tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, xây dựng và phát huy mạnh mẽ tiềm năng của đội ngũ trí thức, thiết thực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.