Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “... cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, trong những năm qua Trung tâm Chính trị huyện Hàm Tân luôn bám sát Quy định số 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị cấp huyện, Quyết định 883-QĐ/BTGTW, ngày 24/11/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm Chính trị cấp huyện để góp phần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại cơ sở. Coi đây là nhiệm vụ có vai trò hết sức quan trọng là công việc cần thiết, cấp bách, thường xuyên và lâu dài của toàn hệ thống chính trị và của từng tổ chức, cán bộ, đảng viên. Thời gian qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Trung tâm Chính trị huyện Hàm Tân đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) và nghiệp vụ cho cán bộ, Đảng viên trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Sau 05 năm thực hiện theo Quy định số 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống cơ sở đào tạo lý luận chính trị được củng cố, phát triển; số lượng cán bộ được đào tạo lý luận chính trị tăng nhanh; đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, Trung tâm có 01 giảng viên chuyên trách và 11 giảng viên kiêm nhiệm, trong đó 100% có trình độ đại học trở lên, 100% có trình độ cao cấp và cử nhân chính trị. Với những "lợi thế" về kinh nghiệm, cương vị công tác, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên đã kết hợp kiến thức lý luận gắn với thực tiễn ở địa phương, đơn vị làm cho người học dễ hiểu, dễ nhớ. Chất lượng giảng dạy vì thế cũng từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm.
Ảnh. ThS. Dụng Văn Duy – Hiệu trưởng Trường chính trị,
khai giảng lớp học Trung cấp LLCT – khóa 112, mở tại huyện Hàm Tân
Xác định công tác mở lớp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và nhu cầu thực tế của địa phương. Trung tâm Chính trị Huyện thường xuyên chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng. Công tác chiêu sinh, khảo sát, quản lý hồ sơ, thủ tục của mỗi loại hình lớp học đều đảm bảo quy trình. Số lượng các lớp và học viên tham gia học tại Trung tâm năm sau cao hơn năm trước, hình thức mở lớp phong phú, đa dạng với phương châm hướng về cơ sở.
Ảnh. Đ/c Dương Văn Đông – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện trao tặng giấy khen cho các học viên lớp Sơ cấp LLCT đạt thành tích xuất sắc khóa học.
Từ giai đoạn (2019 - 2024), Trung tâm Chính trị huyện đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, các ban thuộc Huyện ủy, HĐGD & QPAN huyện, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện mở 168 lớp đào tạo, bồi dưỡng với số lượng 14.213 học viên, Trong đó: 16 lớp bồi dưỡng đối tượng đảng với 836 học viên; 09 lớp đảng viên mới với 450 học viên; 04 lớp SCLLCT cho 249 học viên; 04 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ bí thư chi bộ với 397 lượt học viên; 09 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 462 lượt học viên; 79 lớp bồi dưỡng chuyên đề, tập huấn nghiệp vụ cho 7.428 lượt học viên; phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện mở 10 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đối tượng 4 và các đối tượng khác cho 388 lượt cán bộ, đảng viên; 35 lớp triển khai học tập các Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh, Huyện cho 3.840 lượt học viên; phối hợp với Trường Chính trị Tỉnh mở 02 lớp Trung cấp LLCT - Hành chính cho 136 lượt học viên...
Ảnh. Đ/c Nguyễn Thắng – UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung t6am Chình trị trao tặng giấy khen cho các học viên đạt thành tích xuất sắc khóa học.
Thông qua học tập, bồi dưỡng các chuyên đề về giáo dục lý luận chính trị đã giúp cho cán bộ, đảng viên hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền Mặt trận và các tổ chức đoàn thể vững mạnh đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở nâng cao nhận thức chính trị, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác ở địa phương, đơn vị.
Ảnh. Đ/c Trà Thị Thanh Hoa – Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị trao giấy chứng nhận cho học viên đạt loại giỏi trong khóa học.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Trung tâm Chính trị huyện Hàm Tân vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trước hết chính là những khó khăn về biên chế việc thực hiện nhiệm vụ được giao:
- Theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện thì biên chế Trung tâm chính trị cấp huyện có đội ngũ cán bộ gồm giám đốc (Trưởng ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện theo chế độ kiêm nhiệm), một số phó giám đốc và giảng viên chuyên trách; biên chế từ 4 đến 6 người, thuộc biên chế của các cơ quan đảng của cấp ủy cấp huyện, do ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tổng số dân và cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Trung tâm chính trị cấp huyện được thực hiện chế độ giảng viên kiêm nhiệm để phục vụ công tác giảng dạy. Tuy nhiên hiện nay, chủ trương của Tỉnh ủy là giảm biên chế Trung tâm chính trị cấp huyện chỉ còn 02 biên chế ( 01 Phó Giám đốc, 01 chuyên viên quản lý lớp, kiêm kế toán, văn thư, lưu trữ), không có giảng viên chuyên trách. Hơn nữa, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp khối Đảng, có trụ sở cơ quan độc lập mà không có chế độ hợp đồng bảo vệ nên rất khó khăn trong việc bảo đảm an ninh, trật tự cơ quan.
- Một số chương trình bồi dưỡng do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn nội dung cũ, chưa được bổ sung kịp thời, nội dung đào tạo, bồi dưỡng còn trùng lặp, nặng tính lý luận, ít phần nghiệp vụ, tính thực tiễn chưa cao gây khó khăn không nhỏ cho giảng viên trong quá trình giảng dạy; việc đổi mới phương pháp dạy học vẫn còn những hạn chế nhất định... Một số ít cán bộ, đảng viên, hội viên có biểu hiện “lười học lý luận chính trị”, có tư tưởng thờ ơ, ỷ lại, hời hợt, thiếu sự nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu lý luận chính trị. Chế độ, chính sách cho học viên đã được quan tâm thực hiện song còn chưa phù hợp (chỉ hỗ trợ cho học viên là nữ 25.000 đồng/1 ngày; hỗ trợ tiền xăng xe học viên không hưởng lương nhà xa từ 15km trở lên từ ngân sách nhà nước), do đó ảnh hưởng tới công tác chiêu sinh và tỷ lệ chuyên cần của các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm vẫn còn những khó khăn, hạn chế, nhất là trong công tác chiêu sinh mở lớp (lớp sơ cấp LLCT), cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, nguồn nhân lực tuy đã được đầu tư, bổ sung cơ bản nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu xây dựng trung tâm đạt chuẩn...
Để khắc phục những hạn chế trên đòi hỏi cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền và của chính bản thân người học.
Cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc tại Trung tâm Chính trị trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trung tâm Chính trị bám sát sự chỉ đạo chuyên môn của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, sự lãnh đạo của Thường trực Huyện uỷ, chủ động phối hợp, tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức mở các lớp đào tạo bồi dưỡng đảm bảo đúng tiến độ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Thứ hai, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm tăng biên chế cho các Trung tâm Chính trị cấp huyện theo Quy định 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị cấp huyện. tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tại Trung tâm Chính trị theo hướng đồng bộ, khang trang, hiện đại đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Có chế độ hỗ trợ phù hợp cho học viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối tượng học viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cần đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện việc tăng mức hỗ trợ cho học viên khi tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng tại Trung tâm Chính trị.
Thứ ba, đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ quan tâm, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ kiến nghị hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cán bộ của Trung tâm Chính trị cấp huyện: việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên chuyên trách Trung tâm Chính trị cấp huyện đảm bảo tiêu chuẩn theo Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/10/2020; Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT, ngày 04/3/2022, giảng viên hạng III, mã số V.07.01.03 đòi hỏi có bằng thạc sỹ như vậy là chưa phù hợp đối với các vùng khó khăn; tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên chuyên trách Trung tâm Chính trị cấp huyện được đào tạo chương trình cao cấp lý luận chính trị.
Thứ tư, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục biên soạn, bổ sung và phát hành tài liệu mới thuộc các chương trình: Đào tạo Sơ cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng các chuyên đề; bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cán bộ Công đoàn, cán bộ Hội LHPN ở cơ sở. Nội dung các tài liệu nên biên tập theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, tăng phần hướng dẫn nghiệp vụ. Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu, quy định về việc học tập lý luận chính trị theo tuần tự từ thấp lên cao (sơ cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị) và xây dựng chương trình học tập theo cơ chế liên thông một cách phù hợp.
Thứ năm, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò tầm quan trọng của lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Phải đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của mình; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ.
Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị huyện Hàm Tân hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên có mà còn nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và trách nhiệm xã hội của mỗi người, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn mới./.