Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “... cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”.
Trải qua gần chín thập kỷ xây dựng và phát triển, Đảng ta luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn. Tổng kết thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là tổng kết 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm túc chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ…”. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị là nội dung chủ yếu.
Với vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thực hiện theo Quyết định số 185-QĐ/TW, ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện; Quy chế về việc giảng dạy và học tập của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện ban hành kèm theo quyết định số 1853-QĐ/BTGTW ngày 04/3/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Sau hơn 12 năm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống cơ sở đào tạo lý luận chính trị được củng cố, phát triển; số lượng cán bộ được đào tạo lý luận chính trị tăng nhanh; đội ngũ giảng viên đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, Trung tâm có 02 giảng viên chuyên trách và 11 giảng viên kiêm chức, trong đó 100% có trình độ đại học, 12/13 người có trình độ cao cấp và cử nhân chính trị. Với những "lợi thế" về kinh nghiệm, cương vị công tác, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên đã kết hợp kiến thức lý luận gắn với thực tiễn ở địa phương, đơn vị làm cho người học dễ hiểu, dễ nhớ. Chất lượng giảng dạy vì thế cũng từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm.
(ThS. Nguyễn Thị Thuận Bích – Hiệu trưởng Trường chính trị, khai giảng lớp học)
Xác định công tác mở lớp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và nhu cầu thực tế của địa phương. Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Huyện thường xuyên chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng. Công tác chiêu sinh, khảo sát, quản lý hồ sơ, thủ tục của mỗi loại hình lớp học đều đảm bảo quy trình. Số lượng các lớp và học viên tham gia học tại Trung tâm năm sau cao hơn năm trước, hình thức mở lớp phong phú, đa dạng với phương châm hướng về cơ sở.
(Đ/c Nguyễn Thắng – UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc TTBDCT trao tặng giấy khen cho các học viên đạt thành tích xuất sắc khóa học)
Trong giai đoạn (2015 - 2019), Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được 174 lớp, cho 16.296 lượt người tham gia học tập. Trong đó: 14 lớp bồi dưỡng đối tượng đảng với 782 học viên; 08 lớp đảng viên mới với 401 học viên; 03 lớp SCLLCT cho 130 học viên; 05 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ bí thư chi bộ với 567 lượt học viên; 21 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 2.466 lượt học viên; 27 lớp bồi dưỡng chuyên đề, tập huấn nghiệp vụ cho 2.666 lượt học viên; phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện mở 12 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đối tượng 4 và các đối tượng khác cho 750 lượt cán bộ, đảng viên; 49 lớp triển khai học tập các Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh, Huyện cho 5.184 lượt học viên; các lớp khác 35 lớp, với 3.253 lượt người học; phối hợp với Trường Chính trị Tỉnh mở 04 lớp Trung cấp LLCT - Hành chính cho 280 lượt học viên... Thông qua học tập, bồi dưỡng các chuyên đề về giáo dục lý luận chính trị đã giúp cho cán bộ, đảng viên hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền Mặt trận và các tổ chức đoàn thể vững mạnh đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở nâng cao nhận thức chính trị, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác ở địa phương, đơn vị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm vẫn còn những khó khăn, hạn chế, nhất là trong công tác chiêu sinh mở lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, nguồn nhân lực tuy đã được đầu tư, bổ sung cơ bản nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu xây dựng trung tâm đạt chuẩn... Và để khắc phục những hạn chế trên đòi hỏi cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền và của chính bản thân người học.
Cần đổi mới mạnh mẽ
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải được đổi mới mạnh mẽ, chú trọng thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, thực hiện tốt hoạt động phân công, phân cấp.
Hai là, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng cập nhật, phù hợp với tiêu chuẩn từng loại chức danh cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược.
Đổi mới cần căn cứ vào mục tiêu, nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh mới. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải được cập nhật nhận thức mới về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những lý thuyết, tư tưởng mới, tiến bộ của nhân loại. Bố trí thời lượng phù hợp cho đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp tư duy, kỹ năng làm việc, tầm nhìn chiến lược... Đổi mới việc tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế theo hướng phù hợp, thiết thực, tạo cơ hội để người học thâm nhập thực tế, rút ra kinh nghiệm cần thiết.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ngang tầm nhiệm vụ, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Giảng viên lý luận chính trị vừa phải có hiểu biết sâu rộng về chuyên môn vừa phải vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức, nguyên tắc dạy học; vận dụng các phương pháp dạy học tích cực; hướng dẫn học viên tự học, nghiên cứu khoa học; kiểm tra, đánh giá kết quả của học viên khách quan, chính xác và thực hiện điều chỉnh, bổ sung trong quá trình giảng dạy.
Bốn là, phát huy tinh thần tích cực, tự giác học tập lý luận chính trị. Cán bộ cần nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, trong đó có học tập lý luận chính trị. Nội dung tự học tập của cán bộ phải toàn diện, từ bổ sung kiến thức chuyên môn cần thiết đến rèn luyện phương pháp, kỹ năng. Cán bộ cần học tập từ thực tế công việc, cuộc sống, học hỏi nhân dân./.