Thực hiện lời dạy của Người, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, tạo điều kiện để thế hệ trẻ được phát huy tài năng, sức lực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay đã và đang khẳng định mình, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, thanh niên là đối tượng quần chúng đặc thù của Đảng, nên: "Cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực"(Theo Hồ Chí Minh). Đây chính là tiền đề, là một trong những điều kiện hết sức quan trọng để định ra chiến lược, đường lối, nội dung giải pháp giáo dục bồi dưỡng và tổ chức thanh niên thành lực lượng chính trị hùng hậu kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của Đảng, dân tộc. Bác yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, gương mẫu xung phong trong mọi công việc. Đi đôi với việc giáo dục trí lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, mỗi đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng bởi theo Người: "Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người".
Để tuổi trẻ trở thành người cách mạng chân chính, Bác nhấn mạnh việc cần thiết phải giáo dục tính trung thực, ngay thẳng, tác phong khiêm tốn, giản dị, tinh thần lao động tích cực, siêng năng, táo bạo và sáng tạo cho lớp trẻ. Tuổi trẻ phải có tinh thần cố gắng vươn lên, sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ phải được tiến hành thường xuyên và liên tục thông qua tổ chức nghiên cứu, học tập quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, học tập Chủ nghĩa Mác- Lênin... Song tùy vào trình độ, tâm lý từng đối tượng mà tổ chức học tập, nghiên cứu sao cho hiệu quả thiết thực.
Để tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng đáp ứng sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì các tổ chức đoàn cần luôn chú trọng đẩy mạnh công tác dạy nghề và hướng nghiệp cho thanh niên nhất là đa dạng hóa trong đào tạo và nâng cao tay nghề theo hướng nâng cao trình độ nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, tuổi trẻ phải là lực lượng đi đầu trong xây dựng xã hội học tập với nhiều hình thức đa dạng. Vấn đề quan trọng là mỗi thanh niên cần xác định rõ mục tiêu học tập là để nâng cao trình độ chuyên môn, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; phải nỗ lực phấn đấu, trau dồi kiến thức với tinh thần tự giác cao để trở thành người lao động có học vấn, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi đáp ứng yêu cầu công việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Có thể thấy, tấm lòng và tình cảm của Bác Hồ với thế hệ trẻ là nguồn động lực cổ vũ, khích lệ tuổi trẻ hăng hái, xung kích cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".