Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện Hàm Tân luôn quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Trong năm 2018, cùng với những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai tương đối đồng bộ, thể hiện trên một số kết quả nổi bật như: Công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng được đổi mới và tăng cường thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động. Việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn phục vụ, niêm yết công khai quy định về quy tắc ứng xử và quy tắc đạo đức nghề nghiệp được các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của 03 công chức địa chính - xây dựng. Cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo. Việc quản lý, sử dụng tiết kiệm tài sản, kinh phí ngân sách được chú trọng; ý thức thực hiện tiết kiệm trong sinh hoạt và tiêu dùng của cán bộ, công chức và nhân dân có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh tại địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập kịp thời, nghiêm túc. Vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân ngày càng được phát huy, góp phần giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn; đến nay Mặt trận, các đoàn thể huyện đã thực hiện 10/10 nội dung giám sát, tổ chức 01 cuộc phản biện xã hội/02 nội dung. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, nhất là việc tự kiểm tra nội bộ được chú trọng (Toàn huyện tổ chức kiểm tra, giám sát, thanh tra 173 tập thể và 45 cá nhân chuyên đề, 02 đợt tự kiểm tra nội bộ)... Do có sự tập trung lãnh đạo thực hiện các giải pháp quyết liệt như trên đã tạo được sự lan tỏa trong ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nên năm 2018 không phát hiện trường hợp nào vi phạm tham nhũng phải xem xét xử lý; không có trường hợp nào bị tạm đình chỉ, tạm chuyển đổi vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng.
Chúng ta không tự mãn với những kết quả đạt được. Công tác phòng, chống tham nhũng phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài do đó, thời gian tới, cần phải có những nhiệm vụ, giải pháp tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa, các cấp ủy, chính quyền phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo hợp lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tập trung trước hết là Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung). Người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu, quyết tâm, quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, trước hết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách; thực hiện tốt công khai, minh bạch trong hoạt động; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm các hành vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện tốt, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra và Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng"; phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân trong phòng, chống tham nhũng; xây dựng văn hóa "chống tham nhũng", trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức mới tạo được sự lan tỏa lớn trong toàn xã hội.