Huyện Hàm Tân gồm có 08 xã và 02 thị trấn. Hiện nay, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 36 đại biểu; có 10 tổ đại biểu tổ chức theo 10 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn; mỗi Tổ có từ 3 đến 5 đại biểu; cơ cấu gồm Tổ trưởng và các đại biểu thành viên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã phối hợp tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh, huyện tiếp xúc cử tri 172 điểm, có 7.157 cử tri tham dự, ghi nhận 1.258 ý kiến về những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn có thể đánh giá hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đó là hình thức tổ chức tiếp xúc chưa đa dạng; vẫn còn một số ý kiến kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm; số lượng cử tri tham dự hội nghị tiếp xúc ngày càng ít; vai trò, trách nhiệm của một số đại biểu Hội đồng nhân dân huyện đối với những ý kiến kiến nghị của cử tri có lúc chưa cao; các ngành chức năng trả lời có lúc chưa tích cực. Một số đại biểu chưa thực hiện tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình như vắng mặt tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, ít liên hệ với cử tri. Cử tri phát biểu còn lan man, dài dòng, chưa trọng tâm, cá biệt có trường hợp chửi bới, mạt sát đại biểu, gây mất an ninh trật tự…
Quang cảnh hội nghị đại biểu HĐND tỉnh, huyện TXCT xã Tân Đức
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp xúc cử tri phát huy vai trò, vị trí của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân, xứng đáng là cơ quan quyền lực của địa phương, nâng cao uy tín, chất lượng hoạt động, củng cố niềm tin trong nhân dân, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp đó là cần quan tâm chuẩn bị tốt các hoạt các cơ sở vật chất, đồng thời thông báo lịch tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri bố trí thời gian và tham dự. Phân loại và chuyển ý kiến, kiến nghị đúng địa chỉ, khi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phải quan tâm đến những vấn đề bức xúc, những vấn đề đã kiến nghị nhiều lần. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc giám sát ý kiến giải quyết kiến nghị của cử tri.
Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân về trình độ, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của người đại biểu. Tạo điều kiện, địa điểm và thời gian để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri và kiến nghị những vấn đề bức xúc của nhân dân đến thường trực Hội đồng nhân dân. Đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho những người có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, có nhiệt huyết phục vụ nhân dân (không nhất thiết là người dân ở địa phương) đều được tham gia ứng cử.
Để nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri hơn nữa, trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng cần phải tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với mọi hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, hoạt động tiếp xúc cử tri. Mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân phải có trách nhiệm phát huy vai trò đại diện quyền lực Nhà nước và thành viên của Hội đồng nhân dân cùng với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương đẩy mạnh các hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho việc hoàn thiện tổ chức và đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương. Thường xuyên học tập và rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt xứng đáng với sự tin tưởng, giao phó của nhân dân./.