Đối với Hàm Tân, là một huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bình Thuận, là địa bàn có tuyến QL 1A đi qua với chiều dài 28 km, QL 55 dài 44 km, ĐT 720 dài 10km, tuyến đường sắt Bắc – Nam dài 14 km tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, song cũng tiềm ẩn nhiều hiểm hoạ về tai nạn giao thông. Từ năm 2006 đến năm 2011, toàn huyện xảy ra 184 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 179 người, bị thương 145 người, hư hỏng 35 xe ô tô tải, 63 mô tô - xe máy, 04 xe thô sơ; tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 04 vụ làm chết 03 người và bị thương 01 người; thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra là rất lớn cho gia đình và xã hội. Nguyên nhân do người tham gia giao thông đi không đúng phần đường (64 vụ chiếm 34,78%); tránh, vượt không đúng quy định (24 vụ chiếm 13,04%); thiếu chú ý quan sát (32 vụ chiếm 17,39%).
Xác định nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách. Những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 24/02/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 02/4/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Hàng năm tổ chức phát động ra quân hưởng ứng Tháng an toàn giao thông; tổ chức cho 100% học sinh từ tiểu học đến THPT cam kết không vi phạm Luật giao thông; duy trì chuyên mục giáo dục an toàn giao thông trong trường học vào các buổi chào cờ thứ 2 hàng tuần; tổ chức Ngày hội “Thanh niên với an toàn giao thông”; Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về An toàn giao thông năm 2011”... Việc xây dựng, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện được quan tâm và thực hiện kịp thời: đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo tuyến đường ĐT 720; quản lý, bảo trì và sửa chữa 152,5 km đường và hệ thống cầu, cống thoát nước trên tuyến QL55. Các điểm đen về tai nạn giao thông được lắp đặt đèn cảnh báo. Các lực lượng chức năng có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Lực lượng CSGT tổ chức 4.581 ca tuần tra kiểm soát, lập biên bản 27.186 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; tạm giữ 2.941 phương tiện các loại; xử lý hành chính 30.083 trường hợp, thu nộp ngân sách trên 9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn còn xảy ra. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân khi tham gia giao thông còn hạn chế. Tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển mô tô, xe máy chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để; người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm trên một số tuyến đường, nhất là đường nông thôn còn phổ biến; người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông có chiều hướng gia tăng; ở một số địa phương vẫn còn xe công nông, xe tự chế hoạt động; việc lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, xây dựng công trình hoặc sử dụng vĩa hè, lòng lề đường trái phép còn diễn ra...
Qua đó cho thấy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông không chỉ là nhiệm vụ của một cơ quan, đơn vị nào mà đó là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Bản thân mỗi người cần phải nâng cao ý thức về văn hoá giao thông, chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và góp phần phát triển xã hội. (Huyền Trang)