Thời điểm mới chia tách, Hàm Tân là một huyện nghèo với nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp trong khi kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu và yếu kém; đất đai đồi dốc, bạc màu; đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (đầu năm 2006 là 2.698 hộ, chiếm 22,02%), có 04 xã thuộc chương trình 135 và 01 xã đặc biệt khó khăn, 01 xã bãi ngang ven biển; an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp; đội ngũ cán bộ của huyện còn thiếu; cơ sở làm việc gặp rất nhiều khó khăn... Có thể nói gia tài "ra riêng" của Hàm Tân vào thời điểm ấy hết sức nghèo nàn.
Thế nhưng, những khó khăn ban đầu càng làm cho Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Tân đoàn kết, chung sức, chung lòng, thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm vượt qua và vươn lên mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả nổi bật, đó là: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết, thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao; hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống nước sạch được quan tâm đầu tư, bước đầu giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân; kết cấu hạ tầng vùng nông thôn được quan tâm đầu tư, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở; đến nay, toàn huyện có 06/08 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 02 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; sản xuất công nghiệp được duy trì và tăng khá; thu ngân sách hàng năm đều vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Công tác chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (hiện nay còn 4,7%); chất lượng giáo dục toàn diện ở cấp tiểu học, cấp THCS, chăm sóc, nuôi dạy trẻ bậc mầm non được nâng cao, khuyến học khuyến tài được chú trọng; đến nay có 14/36 trường đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng Nhà thi đấu huyện. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được chú trọng. Nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đạt kết quả khá toàn diện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không xảy ra đột biến, bất ngờ.
Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngay sau khi chia tách huyện, tạo sự chuyển biến trên các lĩnh vực, từ chính trị tư tưởng đến tổ chức cán bộ, kiểm tra, giám sát, công tác dân vận, nổi rõ: Tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy; công tác tổ chức cán bộ luôn được chú trọng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, thường xuyên củng cố bộ máy tổ chức từ huyện đến cơ sở; công tác tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên thường xuyên được quan tâm; kết nạp đảng viên mới hàng năm liên tục đạt và vượt chỉ tiêu. Năm 2006, Đảng bộ huyện có 450 đảng viên; đến nay có 1.427 đảng viên, tăng 977 đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được chú trọng thực hiện theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Việc thực hiện dân chủ cơ sở, dân vận chính quyền, phòng, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến rõ rệt. Bộ máy chính quyền các cấp thường xuyên được củng cố; công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những bức xúc của nhân dân được thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả.
Có thể nói, nhìn lại chặng đường sau 13 năm chia tách, Hàm Tân hôm nay đã thay đổi diện mạo, khoác lên mình bộ áo mới, bộ mặt nông thôn được thay đổi theo hướng văn minh, giàu đẹp; 13 năm chỉ là một chặng đường ngắn so với lịch sử phát triển của một địa phương, một vùng đất, nhưng những nỗ lực của Đảng bộ huyện Hàm Tân trong 13 năm qua đã để lại dấu ấn đáng kể, tạo tiền đề cho sự vươn lên của huyện trong thời gian tới.