Bạo hành gia đình và công tác hòa giải cơ sở

  • /
  • 20.1.2012 - 8:42

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, mặc dù phụ nữ ngày càng được nam giới chia sẻ nhiều hơn trong công việc gia đình và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, xã hội, giáo dục, chính trị, nhưng trong cuộc sống đời thường vẫn tồn tại sự bất bình đẳng giới ở nhiều lĩnh vực, trong đó nạn bạo hành trong gia đình là nhức nhối hơn cả.

Bạo hành trong gia đình không phải bây giờ mới xuất hiện, vấn đề ở đây là bạo hành trong gia đình hầu như đang xảy ra ở khắp các địa phương và trong cả mọi tầng lớp xã hội. Chúng ta đều biết tổ ấm gia đình vừa là nơi nương tựa, sẻ chia về tình cảm vừa là chỗ dựa tinh thần cho con người trong suốt cuộc đời. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình bền chặt, hạnh phúc thì xã hội mới vững chắc, tốt đẹp. Ngược lại một xã hội tốt đẹp sẽ tạo điều kiện cho tổ ấm gia đình bền chặt, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã dẫn đến thay đổi trong các quan hệ xã hội. Sự mở cửa đã kéo theo các luồng văn hóa xấu, các tệ nạn xã hội gia nhập, len lỏi vào một số gia đình như: quan hệ tiền bạc, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng hưởng thụ, chây lười lao động... dẫn đến bất bình đẳng giới, bạo hành trong gia đình không thể kiểm soát được mà trong đó, phụ nữ thường là nạn nhân chính của bạo hành để lại những hậu quả rất nghiêm trọng.

Ngăn chặn tình trạng “cái sảy nảy cái ung”.

Thực tế khi nhìn nhận hậu quả của bạo hành đối với phụ nữ trong gia đình một cách toàn diện, với quan điểm con người không những là nhân tố phát triển mà còn là mục tiêu của sự phát triển thì việc phát triển phụ nữ, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe, vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền con người của phụ nữ và việc tìm giải pháp ngăn chặn bạo hành, bất bình đẳng giới đối với phụ nữ ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Những biện pháp giải quyết tình trạng đối xử tàn nhẫn với phụ nữ như: chống bạo lực bằng bạo lực; chống bạo lực bằng hành động phi bạo lực; chương trình vận động thuyết phục; tuyên truyền nâng cao nhận thức; mở những dịch vụ tư vấn... đã và đang được áp dụng nhưng xem ra giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là biện pháp hòa giải ở cơ sở với quan điểm phòng chống bạo lực bằng hành động phi bạo lực. Hoạt động hoà giải mang đậm tính nhân văn, vì mọi người và trên cơ sở tình người.

Tình làng nghĩa xóm, tương thân, tương ái trong cộng đồng được giữ vững; hiệu quả tập thể hàn gắn, vun đắp sự hoà thuận, hạnh phúc cho từng gia đình; triệt tiêu mầm mống bạo hành... đều phải nhờ đến công tác hoà giải ở cơ sở mà ở đó phần lớn các tranh chấp đều đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết ngay từ ban đầu, góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn tình trạng việc bé xé ra to dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa việc thực hiện tốt công tác hoà giải ở cơ sở sẽ có tác dụng tích cực trong việc xây dựng xã hội bình yên, giàu mạnh, tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.

Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Điều 2 Nghị định 160/1999/NĐ-CP thì: “Hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư”. Mục đích của hoà giải ở cơ sở là hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp ngay từ ban đầu, nhằm ngăn chặn tình trạng “cái sảy nảy cái ung” hay “việc bé xé ra to”, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, nhất là tình trạng bạo lực gia đình rất để dẫn đến hôn nhân đổ vỡ, gia đình ly tán.

Nguyên tắc nào cho công tác hoà giải.

Khi giải quyết các mâu thuẫn bạo lực gia đình, tranh chấp nhỏ trong nhân dân... nếu như người hoà giải chỉ căn cứ vào các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, phong tục tập quán của địa phương, dòng họ để dàn xếp các mâu thuẫn, tranh chấp thì chưa đủ và không hiệu quả. Các vụ việc nếu chỉ dừng lại ở các quy phạm đạo đức để hoà giải thì chưa hẳn đã mang lại kết quả tích cực và thoả đáng. Một vụ việc chỉ được giải quyết dứt điểm và có hiệu quả cao khi người hoà giải bên cạnh việc căn cứ vào các chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán còn cần phải nắm vững và vận dụng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những quy định pháp luật liên quan đến giới, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Để thực hiện nguyên tắc này, tổ viên Tổ hoà giải phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Trước hết, cần nắm vững quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác hoà giải ở cơ sở như pháp luật dân sự (quan hệ tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế,…), pháp luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới (quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, quan hệ cha mẹ, con, nhận nuôi con nuôi, ly hôn, yêu cầu cấp dưỡng…), pháp luật về đất đai (quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…), pháp luật hành chính và pháp luật hình sự…

Bên cạnh việc hoà giải theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoà giải viên cần phải kết hợp với các quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân. Pháp luật được thể hiện ở hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Phong tục, tập quán thường được thể hiện hoặc bằng ngôn ngữ như luật tục, các hương ước, quy ước hoặc bằng các thói quen ứng xử dưới dạng các hành động cụ thể. Phong tục, tập quán được áp dụng phải là phong tục tập quán tốt đẹp, không trái với pháp luật và quy tắc xây dựng nếp sống mới. Hoà giải phải tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hoà giải. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của hoà giải ở cơ sở. Vì bản chất của hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên mâu thuẫn đạt được thoả thuận trên cơ sở tự nguyện. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên có tranh chấp trong việc giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ.

Tuy nhiên có những trường hợp, nếu tiến hành hoà giải các bên có thể chưa chấp nhận ngay thì tổ viên tổ hoà giải phải dùng phương pháp thuyết phục để hai bên đi đến thoả thuận mà không được tìm cách áp đặt, nhất là trong hòa giải mâu thuẫn bạo lực gia đình để tránh sự đổ vỡ hạnh phúc. Một trong những phương pháp để hai bên dễ đi đến thoả thuận, hàn gắn là nhờ đến sự trợ giúp của người đại diện chính quyền như công an hay đại diện của Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội để tạo nên một tâm lý nhất định đối với một hoặc các bên tranh chấp, để họ đồng ý chấp nhận việc hoà giải. Đương nhiên sự tác động tâm lý này không được mang tính ép buộc mà chỉ là sự hỗ trợ cho hoà giải viên thực hiện thành công việc hoà giải. Hoà giải phải khách quan, công minh, có lý, có tình, giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Đặc biệt Nguyên tắc có lý có tình là một trong những nguyên tắc đặc trưng nhất đối với hoạt động hoà giải ở cơ sở so với loại hình hoà giải khác. Việc tuân thủ nguyên tắc này chính là sự bảo đảm đạt được mục đích của công tác hoà giải là giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng dân cư, phòng ngừa bạo lực gia đình, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng.

Từ vai trò của Quản lý nhà nước...

Quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở được hiểu là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm tạo ra các điều kiện để công nhận, xác lập, duy trì,  ổn định và phát triển tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, bảo đảm cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả, vừa tuân theo các quy định pháp luật vừa giữ gìn và không ngừng vun đắp cho nghĩa tình, đạo lý giữa con người với nhau trong đời sống cộng đồng, xã hội theo truyền thống “tối lửa tắt đèn có nhau” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Duy trì, phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở cũng chính là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội của Nhà nước, đặc biệt là Nhà nước ta, nhà nước của nhân dân, do dân và vì dân. Vì vậy, để phát huy tốt nhất hiệu quả đối với đời sống xã hội, hoà giải ở cơ sở cần phải được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện từ phía Nhà nước.

Cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề buộc chúng ta phải bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, nếp sống văn minh trong sinh hoạt cộng đồng được cha ông chắt lọc qua bao nhiêu thế hệ. Hòa giải “một điều nhịn, chín điều lành”, “chín bỏ làm mười”, “có lý, có tình” là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. ý thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác hoà giải, đã có những biện pháp phù hợp nhằm duy trì, củng cố và phát triển công tác hoà giải, tạo cơ sở pháp lý cho công tác này không ngừng phát triển và phát huy tác động tích cực đối với đời sống.

… Đến vai trò Mặt trận và tổ chức thành viên.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức có mạng lưới rộng khắp, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động, quy tụ, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật…Việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng là một trong những mục tiêu đặt ra đối với công tác hoà giải ở cơ sở. Tại Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định một trong những nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách, pháp luật, đó là: “Tham gia hoạt động hoà giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hoà giải”. Bên cạnh đó, với tính chất là tổ chức gần gũi, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và chi phối đến nhiều mặt của đời sống cộng đồng dân cư, quy tụ một lực lượng đông đảo các thành phần xã hội tham gia, Mặt trận Tổ quốc có lợi thế rất lớn khi tham gia công tác hoà giải ở cơ sở.

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận… đối với công tác hoà giải ở cơ sở,  Điều 5 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở đã quy định: “Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước hữu quan, động viên nhân dân trong việc xây dựng, củng cố Tổ hoà giải và các tổ chức hoà giải khác của nhân dân trong cộng đồng dân cư; giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động hoà giải ở cơ sở; tham gia hoà giải theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc trước hết thể hiện trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan xây dựng, củng cố Tổ hoà giải và các tổ chức hoà giải khác của nhân dân tại địa bàn. Nghị định số 50/2001/NĐ-CP ban hành ngày16/8/ 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại khoản 3 Điều 6 đã quy định: “Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức tự quản được thành lập theo quy định của pháp luật trong cộng đồng dân cư trên địa bàn”. Cụ thể hoá vấn đề này, vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc trước hết thể hiện qua việc tổ chức, xây dựng các Tổ hoà giải, lựa chọn, giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn là tổ viên Tổ hoà giải để nhân dân bầu. Theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Điều 8 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh hoà giải: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu tổ viên Tổ hoà giải. Đây là một thủ tục không thể thiếu để đảm bảo tính khách quan, chính xác và đúng đắn trong quyết định lựa chọn thành viên của Tổ hoà giải. Việc lựa chọn, giới thiệu người của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam phải được tiến hành trên cơ sở sự đánh giá, nhận xét về năng lực, phẩm chất, thái độ, tinh thần tham gia… trên thực tế của cá nhân đối với tập thể, cụ thể là việc tham gia các hoạt động, phong trào và hiệu quả công việc mà cá nhân đảm nhận tại địa phương; uy tín của cá nhân được lựa chọn; đảm bảo sự thống nhất ý kiến với các tổ chức thành viên… Sau khi đã có kết quả lựa chọn, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành giới thiệu, công bố danh sách các cá nhân tiêu biểu đã được chọn lựa để nhân dân bầu. Việc lựa chọn, giới thiệu người của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc có tác dụng quan trọng đến việc tổ chức và thành lập Tổ hoà giải, tổ viên Tổ hoà giải tạo tiền đề để Tổ hoà giải, tổ viên Tổ hoà giải hoạt động có chất lượng và hiệu quả. Với quy định này đã đánh giá cao vai trò là chất xúc tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cách nhìn nhận công tâm và khách quan để giúp nhân dân lựa chọn, bình bầu vào Tổ hoà giải các hoà giải viên đảm đương được công việc, đảm bảo sự thành công cho công tác này.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên còn giúp đỡ, tạo điều kiện về nhân lực (con người), về tinh thần (động viên, khuyến khích, thuyết phục) đối với công tác hoà giải ở cơ sở, đồng thời tham gia hoà giải trực tiếp các vụ việc, các tranh chấp, xích mích trong nhân dân. Thông qua mạng lưới của mình, Mặt trận Tổ quốc đã cung cấp và bổ sung cho các tổ hoà giải lực lượng hoà giải viên đông đảo. Thành viên tham gia Mặt trận Tổ quốc trước hết là những người có tâm huyết, có năng lực và uy tín đối với nhân dân. Bởi vậy, khi tham gia hoạt động hoà giải họ sẽ phát huy hết khả năng cũng như uy tín của mình để vận dụng trong các tình huống hoà giải, mang lại hiệu quả hoà giải thành cao. Mặt khác, là tổ chức của quần chúng nhân dân, ảnh hưởng của Mặt trận Tổ quốc là rất tích cực tới bộ máy chính quyền các cấp, nhất là ở cấp cơ sở. Qua những tác động tích cực của Mặt trận Tổ quốc sẽ hướng chính quyền cơ sở dành nhiều sự quan tâm cũng như đầu tư cho công tác hoà giải, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này. Thực tế đã cho thấy ở những địa phương, cơ sở thu hút được sự quan tâm của chính quyền sở tại đối với công tác hoà giải, thì nơi đó hoạt động hoà giải thực sự phát huy hiệu quả thiết thực, là cầu nối của tình làng, nghĩa xóm, là sợi dây gắn kết con người, mang lại sự hoà hiếu, hoà thuận trong nhân dân./. (Quốc Thái)
 


  • |
  • 776
  • |

Các tin khác