Công tác giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hàm Tân. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tiếp tục quan tâm tổ chức quán triệt, tuyên truyền trong hệ thống Mặt trận từ huyện đến cơ sở; theo đó, phối hợp tổ chức 01 buổi tọa đàm nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, có 45 người tham dự; phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức tập huấn 03 ngày về nghiệp vụ công tác Mặt trận và công tác giám sát, phản biện cho Mặt trận các xã, thị trấn và Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, khu phố có 72 người tham dự.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã hoàn thành công tác giám sát đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn về hiệu quả hoạt động của các mô hình Hợp tác xã đối với các xã đạt chuẩn Nông thôn mới trên địa bàn huyện và Giám sát Viện Kiểm sát nhân dân huyện về hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp 6 tháng đầu năm 2019. Qua giám sát đã kiến nghị 9 nội dung đối với cơ quan được giám sát, 3 nội dung chuyển đến UBND huyện. Đến nay 09 nội dung kiến nghị đối với các cơ quan đã thực hiện xong, riêng 03 nội dung kiến nghị đến UBND huyện thì UBND đã có văn bản chỉ đạo các ngành chuyên môn giải quyết. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 10 xã, thị trấn đăng ký 19 nội dung giám sát, đến nay đã hoàn thành 19/19 nội dung. Báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị 42 nội dung, đến nay đã thực hiện được 33/42 nội dung, các nội dung còn lại đang được UBND các xã, thị trấn chỉ đạo thực hiện. Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tiến hành 41 đợt giám sát, chưa phát hiện sai phạm cần phải kiến nghị. Quá trình tiến hành giám sát thì hầu hết các cơ quan được giám sát đều chấp hành nghiêm kế hoạch giám sát, tạo điều kiện thực hiện tốt hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, xã. Có 04 xã, thị trấn đăng ký phản biện xã hội là thị trấn Tân Minh 01 nội dung, Tân Xuân 01 nội dung, Tân Nghĩa 01 nội dung, Tân Thắng 01 nội dung. Đến nay 4/4 địa phương đã hoàn thành các nội dung trên. Công tác giám sát, phản biện xã hội đã được UBND các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí. Năm 2019 đã bố trí ngân sách số tiền 20 triệu đồng cho 06 đoàn thể chính trị - xã hội huyện. Cấp xã thì mỗi xã, thị trấn được cấp 05 triệu đồng/xã cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn gặp những khó khăn, hạn chế đó là: Kinh phí giám sát, phản biện cho Mặt trận cơ sở tuy đã được quan tâm nhưng còn ít. Việc rất nhiều tổ chức tiến hành giám sát làm cho các cơ quan chức năng của huyện cũng như UBND xã có biểu hiện quá tải, khó sắp xếp thời gian, nên khi giám sát có lúc còn chậm trễ so với yêu cầu. Hoạt động phản biện còn ít, chưa có chiều sâu. Hình thức, phương pháp giám sát, phản biện chưa thật sự đa dạng.
Thời gian tới để hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn Mặt trận các cấp trong huyện cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng triển khai thực hiện tốt Quyết định số 217- QĐ/TW, Quyết định số 218- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” gắn với thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 và Quyết định số 99-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn Mặt trận các xã, thị trấn; Thường xuyên tổ chức quán triệt, tập huấn hướng dẫn quy trình, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội; hỗ trợ nguồn kinh phí hợp lý giúp cho Mặt trận các cấp trong huyện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này trong năm 2020 và những năm tiếp theo./.