Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng, coi đạo đức là cái gốc, cái nền tảng của người cách mạng. Hồ Chí Minh không chỉ bàn bạc một cách sâu sắc, cô đọng, thấm thía về vấn đề đạo đức mà chính bản thân Người; trong suốt cuộc đời, Người đã thực hiện một cách mẫu mực những tư tưởng và khát vọng đạo đức do mình đặt ra.
Tháng 3 năm 1947, do nhu cầu "kháng chiến, kiến quốc", Bác kêu gọi thi đua xây dựng 'đời sống mới là cần, kiệm, liênm, chính" và giải thích rất rõ, dễ hiểu. Tháng 6 năm 1949, để tiếp tục răn dạy cán bộ về đạo đức, Bác viết tác phẩm: "Cần, kiệm, liêm, chính" là những đức tính của người cán bộ cách mạng, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Bác viết:
"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người".
Theo Hồ Chí Minh thì: Cần tức là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ "Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta".
Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của dân, của nước, của bản thân mình; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to; "không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi", không phô trương hình thức, không liên hoan, chè chén lu bù.
Liêm tức là "luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân"; "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân". Phải "trong sạch, không tham lam". "Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá".
Chính nghĩa là "không tà, thẳng thắn, đứng đắn". Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà.
Chí công là chuẩn mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị "tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán", đem lòng chí công, vô tư đối với người, với việc. "Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau", "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Muốn chí công vô tư phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù là người phụ bếp đến khi trở thành Chủ tịch nước - Hồ Chí Minh luôn nêu cao lối sống cần kiệm, giản dị, không màng danh vọng, không ham của cải, không ham sự xa hoa, không chuộng những nghi thức sang trọng. Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đời sống của nhân dân. Bác nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”. Trước cảnh dân đói năm 1945, Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước nhường cơm, sẻ áo cho nhau: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”. Bác đã gương mẫu nhịn ăn vào tối Thứ 7, tự tay bỏ gạo vào hũ cứu đói dân nghèo. Chiếc áo lụa đồng bào tặng, Bác cũng đem bán lấy tiền mua áo ấm tặng cho chiến sỹ trong mùa đông giá rét. Số tiền tiết kiệm ít ỏi là tiền nhuận bút các báo gửi cho Bác, Bác cũng đem mua nước ngọt tặng cho các chiến sỹ trực phòng không trong những ngày hè nóng bức. Bác thường nói: “Nhân dân còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được, nhân dân còn rách rưới mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi”.
Những cử chỉ cao đẹp đó không chỉ là tình cảm, tình thương bao la của Bác với đồng bào, chiến sỹ mà còn thể hiện sâu sắc những giá trị đạo đức cách mạng ở Hồ Chí Minh.
Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là những giá trị đạo đức cao đẹp của thời đại. Trãi qua thời gian và thử thách, trước những biến cố thăng trầm của lịch sử, những phẩm chất đạo đức đó vẫn còn nguyên giá trị. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta.