Xác định ý nghĩa quan trọng đó, ngay sau khi có Chỉ thị số 48-CT/TU, ngày 17/02/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Tân đã cụ thể hóa, ban hành các văn bản triển khai thực hiện kịp thời; tổ chức hội nghị quán triệt đến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ huyện đến cơ sở. Chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức phổ biến quán triệt đến cán bộ đảng viên, đoàn viên và nhân dân hiểu rõ quan điểm, ý nghĩa, mục đích, nội dung, nhận thức được quyền và trách nhiệm trong thực hiện các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã nâng cao nhận thức trong thực hiện Quy chế, Quy định về giám sát, phản biện xã hội, tạo điều kiện để Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân phát huy vai trò tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, phương thức và cách thức triển khai thực hiện. Tổ chức 19 lớp phổ biến, quán triệt, tuyên truyền với 1.832 lượt cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tham gia; chỉ đạo 48/48 cơ quan, đơn vị, 10/10 xã, thị trấn đặt hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc và phân công cán bộ phụ trách thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi việc tiếp thu ý kiến.
Công tác giám sát, phản biện xã hội được hệ thống Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện; trong đó, cấp huyện tổ chức giám sát được 38 nội dung được cấp ủy phê duyệt, phản biện xã hội được 03 nội dung; cấp cơ sở tổ chức giám sát được 224 nội dung. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề đoàn viên, hội viên và nhân dân quan tâm, bức xúc và có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; qua giám sát đã phát hiện những sai sót, khuyết điểm, hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước để kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp, từ đó ngày càng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nội dung phản biện liên quan đến những vấn đề thiếu sót, chưa sát, chưa phù hợp trong dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án làm đường giao thông nông thôn và Đề án giảm nghèo của UBND huyện Hàm Tân, giai đoạn 2016 - 2020.
Trong 5 năm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện đã tổ chức 31 cuộc đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn huyện, tiếp thu, ghi nhận 383 lượt ý kiến trên 716, sau đối thoại có văn bản chỉ đạo giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền, đến nay đã giải quyết xong 582 nội dung có liên quan; chỉ đạo các xã thị trấn tổ chức 109 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân,ghi nhận 629 nội dung, đã giải quyết được 499 nội dung thuộc thẩm quyền. Hội nghị đối thoại đã thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giúp cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận trong hành động, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể thấy, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội theo chức trách nhiệm vụ được giao. Thông qua các hình thức như tổ chức giám sát theo nội dung chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, tổ chức đối thoại trực tiếp, qua hòm thư góp ý, đã kịp thời phát hiện những sai sót, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW. Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Tân đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp: (1). Cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nội dung Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) và các văn bản của tỉnh, huyện rộng rãi trong nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các hình thức sinh hoạt chi, tổ hội tại địa bàn dân cư. (2). Hội đồng nhân dân, UBND, các cơ quan, ban, ngành từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt việc công khai, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách; thường xuyên gửi các văn bản dự thảo về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện, các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; các chương trình, đề án, dự án của huyện... đến Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội để thực hiện công tác giám sát và yêu cầu phản biện xã hội. (3). Các chi, đảng bộ cơ sở tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội; tổ chức góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.(4). Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến góp ý theo quy định; xử lý kịp thời các kiếnnghị, đề xuất của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. (5). Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tích cực, chủ động hơn trong việc nghiên cứu, đề xuất cấp ủy định hướng nội dung và triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội hàng năm; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị sau giám sát của đối tượng được giám sát. Phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức đối thoại theo định kỳ hàng năm giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp với nhân dân; có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế khuyết điểm của các đơn vị đã được giám sát. (6). Cấp ủy cơ sở, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị.